(Tổ Quốc) - Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung là sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã miền núi Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ với trên 85% dân số là đồng bào dân tộc Mường, sinh sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Thương hiệu sản phẩm gạo nếp gà gáy đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây. Năm 2010, sản phẩm lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và được công nhận đạt hạng OCOP 4 sao năm 2022. Để bảo tồn giống lúa đặc biệt của dân tộc Mường chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc hữu cơ, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, bảo quản đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Lúa nếp gà gáy theo hướng hữu cơ được Hợp tác xã sản xuất gạo nếp gà gáy và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mỹ Lung triển khai trên tổng diện tích 24 ha với 125 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 1,8 tỉ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ sau đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 là 468 triệu đồng.
Đánh giá hiệu quả sau một thời gian thực hiện cho thấy, mô hình sản xuất lúa nếp gà gáy Mỹ Lung theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao. Năng suất bình quân đạt khoảng 152 kg/sào, tương đương gần 41 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 12 kg/sào, tương đương 3,2 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được đạt gần 1,1 triệu đồng/sào, tương đương 29,7 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 320 nghìn đồng/sào, tương đương 9,7 triệu đồng/ha. Lợi nhuận thu được từ mô hình dự kiến đạt khoảng 722 triệu đồng.
Ông Hoàng Xuân Thủy PCT xã Mỹ Lung cho biết đến nay nếp gà gáy không chỉ là cây lương thực mà còn là thương hiệu nông sản của tỉnh Phú Thọ. Lúa nếp gà gáy là sản vật có từ lâu đời của địa phương. Sau khi được nhân rộng diện tích và chất lượng đều tăng lên, giúp tăng thu nhập cho bà con. Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu của đồng bào vùng cao; hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Với định hướng phát du lịch cộng đồng của Mỹ Lung việc nhân rộng lúa nếp gà gáy không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc đồng bào dân tộc Mường.