• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

85% bệnh nhi nhiễm sởi chưa được tiêm phòng, lo ngại nguy cơ biến chứng

Sức khỏe 02/05/2018 09:44

(Tổ Quốc) - Nếu như những năm trước, phải đến dịp Đông Xuân thì mới vào mùa của bệnh sởi. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì mà hiện nay, căn bệnh này lại xảy ra quanh năm.

Nếu không điều trị kịp thời rất dễ bị biến chứng

Số liệu thống kê từ Khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó hơn 85% chưa được tiêm phòng bệnh này. Đáng chú ý là, trong số các bệnh nhi chưa tiêm phòng sởi có hơn một nửa chưa đến tuổi tiêm phòng.

Bệnh nhi điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé N.K.H (6 tháng tuổi, Hà Nội). Mẹ cháu H cho biết, trước khi nhập viện 2 ngày, con có biểu hiện sốt cao, chị cho con đi khám ở bệnh viện tư nhân và uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Sau 2 ngày điều trị tại nhà, gia đình nhận thấy cháu bé xuất hiện các triệu chứng mới như nổi các nốt đỏ ở mặt và các vết loét ở khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều. Gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Tại đây các bác sỹ chẩn đoán bé Hưng bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải nhập viện điều trị.

Ts. Nguyễn Văn Lâm Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…”

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

Tiêm chủng – cách phòng sởi hữu hiệu nhất

Theo Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

Ts. Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi.

Cũng theo TS Lâm: “Trẻ mắc sởi nhẹ chăm sóc tại gia đình cần được theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên chủ quan. Cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh đưa trẻ tới nơi tập trung đông người. Giúp trẻ giữ vệ sinh thân thể, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng.”

Để tránh bệnh lây lan, không nên cho trẻ khỏe và trẻ bệnh dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Nguy hiểm nhất là đối với các bậc phụ huynh có quan niệm kiêng không đúng khi trẻ mắc bệnh sởi. Trước đây, có một số trường hợp phụ huynh khi con bị sởi thì kiêng nước, kiêng gió thậm chí kiêng cả ánh sáng nên suốt ngày để con trong nhà. Có trường hợp sau quá trình kiêng không đúng như vậy con bị viêm kết mạc, nặng hơn là loét giác mạc.

Thế Công

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ