• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

An Giang ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại

Văn hoá 21/05/2020 19:54

(Tổ Quốc) - An Giang ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại ; Nhiều hoạt động bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể tại bảo tàng tỉnh Bình Dương; Đồng Nai tăng cường các buổi biểu diễn văn nghệ lưu động về cơ sở là tin văn hóa tiêu biểu tại 3 tỉnh mới đây

An Giang báo cáo Kết quả thực hiện Chỉ thị số 46 về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội"

Thực hiện Công văn số 1636/BVHTTDL-TTr ngày 29 tháng 4 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trên.

Quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị thời gian qua đã được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, trong triển khai thực hiện có sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương.

An Giang ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại - Ảnh 1.

Lễ hội bà Chúa Xứ - Núi Sam mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách - Ảnh minh họa - Nguồn: cinet

Thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW và các văn bản pháp luật chuyên ngành, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa đã được chấn chỉnh, đúng theo quy định của nhà nước, các ấn phẩm văn hóa phẩm độc hại được tịch thu xử lý tốt và các tiêu cực trong xã hội từng bước được đẩy lùi đã hạn chế được các tệ nạn trên địa bàn các huyện, thị, thành trong toàn tỉnh. Hệ thống các văn bản quản lý nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, tăng cường về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Các phong trào thi đua "Xây dựng cơ quan văn hóa", "Xây dựng cơ quan đạt tiêu chuẩn An toàn về an ninh, trật tự"… hay các phong trào văn hóa như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng Nông thôn mới … đã được triển khai phong phú, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, tác động tích cực đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn được duy trì thường xuyên. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những cá nhân, tổ chức kinh doanh các dịch vụ văn hóa không đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, internet, quá trình xâm nhập của các loại hình, sản phẩm văn hóa ngoại lai, độc hại diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều nội dung, hình thức, đặc biệt là sự xâm nhập thông qua hệ thống internet và các phương tiện sử dụng công nghệ cao… gây tác hại không nhỏ đến thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, đạo đức văn hóa ứng xử, đặc biệt đối với tầng lớp thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, nhất là các hoạt động tại chỗ; nguồn lực thông tin của thư viện còn hạn hẹp, cán bộ phụ trách ở các thư viện cơ sở đa số không có chuyên ngành Thư viện, nên còn hạn chế trong việc xác định nguồn thông tin ấn phẩm chính thống.

Nhiều hoạt động bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể tại bảo tàng tỉnh Bình Dương

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Dương, năm 2020 là năm sẽ diễn ra các sự kiện chính trị và các ngày lễ lớn của đất nước. Do đó, Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã xây dựng chương trình kế hoạch công tác với nhiều hoạt động ý nghĩa và quy mô, trong đó hoạt động bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể đóng vai trò chủ lực. Một trong những hoạt động nổi bật của công tác bảo tồn di tích và văn hóa phi vật thể phải kể đến công tác tổ chức tổng kết 2 đề án "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" và "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020". Qua đó, ngành sẽ đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện đề án trong thời gian qua, đồng thời tham mưu xây dựng nội dung đề án thực hiện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh triển khai tổ chức hội thảo khoa học "Bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương". Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của các di tích quốc gia; đánh giá khách quan, khoa học thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích quốc gia trong những năm qua, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả nhất giá trị của di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh, góp phần vào công tác giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch tại địa phương. Cùng với đó, để tăng cường công tác quản lý di tích, ngăn chặn các hoạt động xâm hại, lấn chiếm đất di tích, Bảo tàng tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc lập thủ tục sở hữu đất đai đối với các di tích đã được xếp hạng, công nhận trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác bảo tồn di tích, Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin TX.Tân Uyên, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bàu Bàng triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ khoa học để đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng 2 di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Dương Văn Hổ (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) và di tích lịch sử Chiến thắng Bót Cây Trường (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng).

Hoạt động bảo quản, tu bổ di tích luôn được Bảo tàng tỉnh quan tâm chú trọng và duy trì thực hiện thường xuyên, nhằm bảo quản, chống xuống cấp cho các di tích. Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh thực hiện công tác tu bổ di tích quốc gia Nhà cổ Trần Văn Hổ; thực hiện đánh bóng cấu kiện gỗ di tích Nhà cổ Trần Công Vàng...Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa 3 loại hình di sản phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là các di sản: Nghề gốm ở Bình Dương, Võ thuật Tân Khánh - Bà Trà, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An. Đây được xem là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm vinh danh các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai tăng cường các buổi biểu diễn văn nghệ lưu động về cơ sở

Từ ngày 20-5 đến 30-6, các đơn vị gồm: Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố tăng cường các buổi biểu diễn lưu động về cơ sở phục vụ nhân dân nhằm chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Theo đó, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức gần 30 buổi diễn về các xã: Lâm San, Sông Ray, Xuân Mỹ, Xuân Bảo, Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ); Xuân Tâm, Xuân Thành, Suối Cao, Suối Cát, Lang Minh, Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc ); xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Các tiết mục nghệ thuật được biểu diễn phục vụ bà con gồm: Hát về Đảng, hát về núi sông, Đảng cần chúng tôi có mặt; Vững niềm tin vào Đảng; Việt Nam ơi; Thi đua làm theo lời Bác; Tổ quốc vinh quang…

Riêng Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh cũng đã và đang tổ chức một chuỗi các chương trình tuyên truyền lưu động và chiếu phim phục vụ Đại hội Đảng các cấp và phục vụ cơ sở. Trong đó, có hơn 50 buổi diễn sẽ được tổ chức tại các huyện: Thống Nhất (từ ngày 18 đến 22-5), Định Quán (từ 25 đến 29-5); Nhơn Trạch (từ ngày 8-6 đến 12-6); Trảng Bom (từ ngày 15-6 đến 19-6); Vĩnh Cửu (từ ngày 22-6 đến 26-6) và TP.Long Khánh (từ ngày 1-6 đến 5-6);…

Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố cũng có nhiều chương trình nghệ thuật nhằm tăng cường các buổi diễn tại các xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao nhận thức, củng cố, bồi đắp niềm tin về Đảng; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ