• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bà mẹ 2 con, bỗng dưng bị công ty cho nghỉ việc không lý do

Pháp luật 29/10/2018 13:13

(Tổ Quốc) - Gắn bó với công ty hơn 7 năm, nay bỗng nhiên bị cho nghỉ việc không có lý do, bà mẹ 2 con này đang lo lắng và băn khoăn không biết việc công ty tự ý cho mình nghỉ việc như thế là đúng hay sai?

Bà mẹ 2 con, bỗng dưng bị công ty cho nghỉ việc không lý do - Ảnh 1.

Hình minh họa: Một khu nhà trọ của công nhân - Ảnh Vi Phong

Tôi năm nay 37 tuổi, nghề nghiệp chính là kế toán, chồng tôi năm này 40 tuổi, gia đình chúng tôi hiện có 2 con nhỏ (4 và 6 tuổi). Cả hai vợ chồng tôi đều làm việc tại khu công nghiệp, mặc dù thu nhập không cao, nhưng nhờ có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình tôi cũng tạm ổn. Tuy nhiên, mới đây, tôi bất ngờ bị công ty cho nghỉ việc mà không đưa ra lý do. Tôi đã làm việc cho công ty này được hơn 7 năm và chưa khi nào vi phạm hay bị kỷ luật gì. Việc bất ngờ bị cho nghỉ việc, khiến cho bản thân tôi cũng như gia đình khá lo lắng. Tôi có hỏi qua đồng nghiệp thì được biết, công ty cho tôi nghỉ việc là để bố trí cho người quen vào vị trí của tôi. Tôi xin hỏi, trong trường hợp này, việc công ty bất ngờ cho tôi nghỉ việc là đúng hay sai? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Viết Hưng, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết những giải đáp như sau:

Thứ nhất, việc công ty của chị đơn phương chấm dứt hợp đồng với chị là việc làm trái với quy định của Điều 38 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, cụ thể:

"Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."

Căn cứ theo quy định trên và theo thông tin chị cung cấp thì việc công ty của anh (chị) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh (chị) không thuộc những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13. Ngoài ra, tùy theo loại hợp đồng mà công ty ký với anh (chị), công ty có nghĩa vụ báo trước một khoảng thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với chị, tuy nhiên, theo thông tin anh (chị) cung cấp thì công ty đã không báo trước với anh chị theo thời gian quy định.

Vì vậy, ta có thể kết luận, công ty chị đã vi phạm quy định về trường hợp được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng và thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động đối với người lao động tại Điều 38 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13, thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13: "Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này."

Thứ hai, để bảo vệ quyền lợi của mình, chị có thể thực hiện những việc sau:

Trước hết, chị có thể gửi đơn lên Ban Giám đốc công ty yêu cầu đối thoại nhằm làm rõ nguyên nhân đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị và những quyền lợi chị được hưởng khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 194 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13: "5. Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội."

Trong trường hợp, công ty không đáp ứng yêu cầu đối thoại của chị hoặc buổi đối thoại không đạt kết quả như yêu cầu của thì chị có thể lựa chọn một trong những cách giải quyết sau:

Một là, chị có thể gửi đơn yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chị trong trường hợp nói trên theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 về Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động.

Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.

Hai là, chị có thể trực tiếp gửi đơn lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13:

"1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;"

Và quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13:

"1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;"

Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.

Sỹ Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ