• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 3: Lợn xuống giá thê thảm: Trăm kiểu “thanh lý” thịt lợn

Kinh tế 12/04/2017 08:27

(Tổ Quốc) -Nhiều gia đình trong những ngày thịt lợn rẻ, cảnh “nhà nhà có thịt lợn”, “nhà nhà tích thịt lợn” là điều không lạ.

Trăm kiểu “thanh lý” thịt lợn

Trước thực tế thịt lợn ế ẩm tràn lan hiện nay, để tiêu hụ hết số lượng thịt tồn đọng còn khá lớn, người dân đã có trăm kiểu “thanh lý” thịt lợn.

Anh Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện rất “khó từ chối” ăn thịt lợn từ chính những người họ hàng thân quen của mình: Vì làm ca đêm nên buổi sáng về nhà tranh thủ ngủ bù. Đang say sưa ngủ thì tầm mười rưỡi có tiếng gọi cổng của người anh họ. Anh Tuấn mắt nhắm mắt mở ra mở cửa thì người anh họ bảo sang nhà anh có tí việc nhờ. Chẳng ngờ, khi đến nơi, ông anh họ nhờ cái dạ dày của anh Tuấn chứa cho ít “lòng lợn tiết canh” từ con lợn của nhà đã thịt trước đó.

Gần đây, cứ độ một tuần, bạn bè hay họ hàng làng xóm lại gọi hỏi anh Tuấn xem có ăn lợn không. Nhà nào cũng bảo có con lợn này ngon lắm, họ tiếc công tiếc của chả muốn bán cho người dưng, hoặc nhăn nhó thành thật, gọi thợ mổ nào nhận lời… thôi thì cùng “ăn đỡ”. Anh Tuấn nhận lời lấy đôi cân, nhưng chẳng ngờ khi lên lấy thịt là… một phần tư con lợn (26kg) đã được gia chủ “xí phần” và xếp riêng vào bao tải. Với số thịt ngoài sức tưởng tượng đó mà hai vợ chồng mất nguyên ngày nghỉ cuối tuần chỉ vì loay hoay lọc thịt, xương, mang đi xay giò, chia bớt phần cho nội ngoại và sau cùng cắt từng miếng đủ ăn mỗi bữa cất tủ lạnh.

Không chỉ vậy, nhiều người bán thịt lợn còn sẵn sàng “bán chịu” cho khách để làm bảo đảm “lợn không ngon không lấy tiền”, cứ mang thịt về ăn khi nào có tiền trả và cùng với đó bao giờ số lượng cũng được “nhích” lên khi cân.  Người chăn nuôi không chỉ tự đi bán thịt lợn mà còn huy động anh em họ hàng tìm mối bán giúp, nhất là tại khu vực thành phố lớn, các công sở, công ty… Nếu như trước đây nhiều chủ lợn “ngại” bán cho khách ở thành phố vì mỗi người mua ít, có đơn hàng chỉ vài lạng, lại chọn chỗ ngon, chẳng hạn thịt thủ chỉ lấy mỗi tai, mũi, lưỡi, còn phần má mỡ nhất sẽ không lấy, rồi mỗi người muốn sơ chế một kiểu, người xay vừa làm nem, quấn chả, người xay mịn làm giò mọc, người thịt thái to bản kho tàu, người yêu cầu thái nhỏ rang lẫn với tôm… thì nay tất cả các yêu cầu này nếu khách thành phố muốn đều được đáp ứng, người bán thịt lợn chấp nhận giữ lại phần không ngon để ăn.

Để giải quyết đàn lợn 10 con bằng cách tự mổ, một gia đình khác trong chục ngày liên tiếp đã phải “cho không” anh em họ hàng số thịt ế bán trong ngày khi chính nhà họ không thể còn chỗ chứa.

Ảnh minh họa. Nguồn vietnamnet.vn

Cũng là “thanh lý” thịt lợn nhưng bằng cách khéo léo và kỳ công hơn khi biến tấu thịt lợn thành xúc xích, ruốc rồi mời những khách hàng tiềm năng “ăn thử”, nếu ngon, hợp khẩu vị thì họ sẵn sàng đặt hàng bởi đây là những thứ dễ ăn kèm trong bữa ăn sáng, hoặc ăn vặt của trẻ con. Nhờ vậy mà một lượng thịt lợn đã được tiêu thụ theo cách này.

Nhà nhà tích trữ… thịt lợn

Không chỉ gia đình anh Tuấn và nhiều gia đình khác trong những ngày thịt lợn rẻ, cảnh “nhà nhà có thịt lợn”, “nhà nhà tích thịt lợn” là điều không lạ.

Ngoài việc bị mời chào mua thịt lợn từ những người quen còn có cả trường hợp chủ động tích trữ, nhất là với những gia đình khá giả thì đã quá quen thuộc. Để đối phó với tình trạng thực phẩm bẩn trước đó, nhiều gia đình đã sắm tủ đông lạnh loại nhỏ để tích trữ mỗi lần về quê hoặc nhờ người quen biết tìm được thực phẩm sạch. Đây là thời điểm tích trữ thịt lợn dễ dàng nhất.

Sau khi mua về hơn chục cân cả thịt cả xương một nam khách hàng cho biết, thịt lợn là nguồn thực phẩm dễ chế biến thành các món khác, cũng dễ ăn nên dù mua có 10 kg cũng không thừa, trở ngại lớn nhất là tủ lạnh ở nhà quá nhỏ, chứ nếu không sẽ phải mua gấp đôi số thịt trên. Bởi thực tế giá thịt đang rẻ, chưa biết sạch đến đâu nhưng rõ ràng ăn ngon hơn trước đấy, xương cứng và ngọt nước, thịt nở, thơm, ngay cả bì lợn cũng dày, giòn có thể lọc ra trộn với thính, lá chanh và gia vị là cũng được một món. Thịt thì quay vòng: luộc, nướng, quay, kho, rang khô, giả bò… chuyện cả tháng mâm cơm đều có món ăn làm từ lợn rất quen thuộc với nhiều gia đình bị “ảnh hưởng” cơn bão từ lợn.

Mâm cơm ngoài rau, còn lại toàn món ăn từ thịt lợn - giò, xúc xích và nem chạo

Còn lý do nữ khách hàng mua “ôm” cả yến thịt lợn vì có thể tự tay làm được nhiều món thay đổi cho bữa ăn với giá rẻ như nem, ruốc, xúc xích, giò…  mà chồng con vẫn hào hứng ăn. Do ảnh hưởng của “thịt lợn” mà nữ nội trợ này cũng thẳng tay cắt giảm khoản thịt khác đắt hơn như thịt bò, thịt gà… và món đổi bữa cho đỡ chán miệng được lựa chọn là tôm, cá…

Nếu như có trăm ngàn lý do để người bán thịt thanh lý thì cũng có bấy nhiêu lý do để người nội trợ sẵn sàng bỏ tiền ra mua, trong đó có cả lý do “nể nang” và quan trọng hơn họ cũng muốn “chia sẻ” phần nào khó khăn mà người chăn nuôi đang phải hứng chịu.

Nói thêm về sự “chia sẻ” này, một người bán thịt lợn tiết lộ, sau khi “mang cho” mỗi người trong họ vài cân thịt, những hôm sau mọi người đều khéo léo đưa tiền cho người chăn nuôi với lý do muốn góp mớ rau, cân cám… để lần sau còn ăn thịt tiếp.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ