• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin chính thức về Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ

Thời sự 09/05/2018 07:08

(Tổ Quốc) -Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ là tên chính thức đầy đủ hiện nay là Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới, có nguồn gốc tại Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong (An-xang-hong) thành lập vào năm 1964.

Theo số liệu do Hội thánh này công bố, đến năm 2017, họ có khoảng 2,5 triệu người tin theo, 7.000 Hội thánh, có mặt ở 175 quốc gia, trụ sở chính tại Bundang, Sungnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc.

Trong Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, nữ trùm khăn ren trắng, không sử dụng cây thánh giá; duy trì sinh hoạt tôn giáo vào ngày thứ Bảy; không công nhận lễ Giáng sinh; trong năm còn có 7 lễ khác ngoài lễ vào ngày thứ Bảy; họ dùng nước ép nho có màu đỏ và bột mì để làm bánh không men – mua trên thị trường tự do làm lễ vật…

 Hoạt động truyền đạo trái phép của Dương Thị Tuyến (thôn Trấn Tây, xã Vũ Chính, TP Thái Bình). Ảnh minh họa: VOV.

Cũng theo Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2001, Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Năm 2005-2006 hình thành điểm nhóm đầu tiên tại TP HCM và sau 10 năm tồn tại điểm nhóm này đã được UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo vào tháng 7/2017.

Từ khi thành lập đến nay, sinh hoạt tôn giáo của điểm nhóm được chính quyền địa phương đánh giá diễn ra bình thường, tuân thủ pháp luật, bản thân ông Nguyễn Văn Hòa- người đứng đầu- được tặng nhiều giấy khen vì đóng góp cho an sinh xã hội ở địa phương. Được  biết, tại TP HCM có khoảng 600 người theo đạo này.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, dù đã xuất hiện và hoạt động ở phía Nam trên dưới 10 năm, nhưng đến hết tháng 4/2018, Ban Tôn giáo Chính phủ chưa nhận được phản ánh nào của các tỉnh phía Nam về hoạt động phức tạp của Hội thánh này.

Còn ở các tỉnh phía Bắc, phản ánh đầu tiên về những hoạt động tiêu cực liên quan tới tổ chức này vào năm 2016 từ các địa bàn Thái Nguyên, Bắc Kạn, TP Hà Nội.

Những biểu hiện cực đoan như người tin theo ứng xử không hiếu kính với cha mẹ, xa lánh người thân, tự ý hoặc dọa đập phá bàn thờ tổ tiên của gia đình, phỉ báng tín ngưỡng, tôn giáo mà người thân tin theo, nhất là khi gia đình ngăn cấm quyết liệt; là học sinh, sinh viên thì bỏ học; là người đi làm thì bỏ việc; thái độ bi quan, lo lắng…

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ngay sau khi phát hiện có hoạt động và ảnh hưởng tiêu cực, trong năm 2016, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản trao đổi với các cơ quan, đơn vị chức năng để nhận diện và thống nhất chủ trương công tác; từ đó ra văn bản hướng dẫn các tỉnh phía Bắc: ngăn chặn và xử lý theo pháp luật đối với hành vi truyền đạo không đúng quy định của pháp luật; do gây ra nhiều bất bình trong cộng đồng nên không cho hình thành điểm nhóm, không chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, cảnh giác trong quần chúng.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng khẳng định lại một lần nữa quan điểm nhất quán: kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và hoạt động tôn giáo bình thường theo pháp luật của các tổ chức tôn giáo hợp pháp, tránh tạo sơ hở để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, gây bất ổn chính trị…/.

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ