• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế đánh giá khả năng phát triển chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam

Thế giới 02/11/2023 13:46

(Tổ Quốc) - Vào tháng 2/2022, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất Chỉ thị Thẩm định về Tính bền vững của Doanh nghiệp phù hợp với một loạt quy định phát triển chuỗi cung ứng bền vững của EU. Những quy định này đang tác động đến hoạt động của các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Quan điểm của EU về tuân thủ tính bền vững

Theo trang Vietnam Briefing, những năm gần đây một số quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Anh và Hà Lan đã thông qua luật mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. Những luật này yêu cầu các doanh nghiệp có quy mô nhất định phải tiến hành phân tích rủi ro chuỗi cung ứng thường xuyên.

Báo quốc tế đánh giá khả năng áp dụng tính bền vững của các công ty nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: RMIT

Hiện tại, EU đã ban hành một số chính sách nhằm đảm bảo các hoạt động thương mại bền vững trên thị trường châu Âu, bao gồm Kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn, Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Chuỗi cung ứng bền vững (SCS) là chuỗi tích hợp đầy đủ các dữ kiện có tính minh bạch, đạo đức, trách nhiệm đối với môi trường vào một mô hình có tính cạnh tranh và mang lại thành công. Tính minh bạch của chuỗi cung ứng bền vững là rất quan trọng. Chuỗi cung ứng bền vững phải luôn gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tại EU, theo luật này, các công ty có trên 500 nhân viên được yêu cầu phải đưa ra các biện pháp phù hợp và hiệu quả để giảm thiểu rủi ro môi trường và vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp hiện được yêu cầu đánh giá các rủi ro cụ thể theo khu vực và ngành cũng như phân tích tính bền vững. Các công ty nước ngoài tại Việt Nam cần tiến hành thẩm định và kiểm tra tuân thủ để đảm bảo nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn mới này.

Mặc dù các công ty trên toàn cầu được khuyến khích thực hiện các biện pháp có trách nhiệm xã hội và môi trường trong chuỗi cung ứng nhưng chính sách tuân thủ tự nguyện cho đến nay vẫn chưa đủ để bảo vệ môi trường làm việc trong chuỗi cung ứng đa tầng.

Do đó, ngày càng nhiều quốc gia ở EU ban hành luật bắt buộc đối với chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu. Điều này nhằm đảm bảo rằng tất cả các nhà cung cấp đều tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và đạo đức do chính phủ tương ứng đặt ra.

Các luật thẩm định này là một phần của Thỏa thuận Xanh Châu Âu, yêu cầu các doanh nghiệp trên khắp thế giới thực hiện các sáng kiến nhằm tạo ra chuỗi cung ứng bền vững và giảm lượng khí thải công nghiệp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất Chỉ thị về Thẩm định Tính bền vững của Doanh nghiệp sẽ giúp xác định và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi giá trị của các công ty EU. Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền và Hướng dẫn Thẩm định của OECD trong Ứng xử Kinh doanh chính là nền tảng cho chỉ thị này.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 năm nay, sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong ngành sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm. Chế độ thuế carbon này sẽ định giá lượng khí thải carbon từ việc sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều carbon vào EU và thúc đẩy sản lượng công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.

Áp dụng chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam

Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) là một tập hợp các sáng kiến được Ủy ban châu Âu thông qua vào tháng 3/2020 nhằm giúp EU chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Mục tiêu của CEAP là giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cung cấp việc làm, tạo tăng trưởng bền vững và đáp ứng mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 của EU.

Hơn nữa, CEAP yêu cầu hàng dệt may phải được sản xuất bằng vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, tuân theo các nguyên tắc ghi nhãn sinh thái nghiêm ngặt và đáp ứng các tiêu chí bền vững. Vì vậy, các công ty Việt Nam trong ngành này có thể cần phải thay đổi quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với số lượng luật liên quan đến chuỗi cung ứng bền vững ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây, các công ty kinh doanh tại Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động, các công ty con và nhà cung cấp trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Mặc dù luật thẩm định đặt ra nhiều thách thức liên quan đến chi phí phát sinh và việc thực hiện phức tạp nhưng việc tuân thủ sớm có thể giúp các công ty tránh được rủi ro bị loại khỏi chuỗi cung ứng.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong số tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn thu hút vốn và chuyên môn nước ngoài sẽ thấy hấp dẫn hơn nếu áp dụng các hoạt động bền vững.

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và bảo vệ môi trường cũng có thể mang lại những cơ hội chưa từng có cho cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên vẫn không tránh được các rào cản liên quan. Các công ty đang gặp khó khăn trong việc quản lý các nhà cung cấp cấp thấp hơn do thiếu mối quan hệ hợp đồng trực tiếp. Trong khi các nhà cung cấp cấp thấp hơn lại là những thành phần quan trọng để thực hiện thành công các biện pháp bền vững của chuỗi cung ứng bởi các tập đoàn đa quốc gia (MNC) thường gặp khó khăn trong việc thực thi các tiêu chuẩn bền vững giữa những công ty nhỏ hơn này.

Điều này có thể là do thiếu nguồn lực và không có chính sách khuyến khích phù hợp. Các nhà cung cấp thấp hơn thường gây ra rủi ro cao nhất cho mạng lưới cung ứng. Để giải quyết thách thức này, các MNC nên áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong việc thu thập dữ liệu về năng lực của nhà cung cấp, theo dõi các số liệu hiệu quả hoạt động bền vững và tập trung vào việc tách biệt và cải thiện các liên kết chuỗi cung ứng yếu nhất.

Khi chính phủ và các tổ chức quốc tế áp dụng luật chặt chẽ hơn về chuỗi cung ứng bền vững, các công ty nước ngoài nên tiến hành kiểm toán định kỳ các nhà cung cấp nguồn cung ứng và mạng lưới cung ứng, giám sát việc thực hiện các hoạt động bền vững.

Các công ty cũng cần đảm bảo duy trì các nhà sản xuất ở mọi cấp độ trong các chương trình bền vững để phát triển các chiến lược quản lý rủi ro chuỗi cung ứng toàn diện trong tương lai./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ