• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ điều Triều Tiên có thể làm khi cả thế giới bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19

Thế giới 31/03/2020 11:05

(Tổ Quốc) - Đại dịch COVID-19 có thể đem tới cơ hội để Triều Tiên gia tăng sản xuất và khẳng định vai trò của mình trong chuỗi cung cấp tương lai.

Nằm giữa hai ổ dịch Hàn Quốc và Trung Quốc với một hệ thống y tế được cho là còn kèm phát triển, Triều Tiên có thể là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch virus corona mới – hay còn gọi là COVID-19. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng mới đây đã khẳng định họ không hề có một trường hợp nhiễm virus nào.

Tuyên bố trên hiện chưa được kiểm chứng. Nhìn vào hoạt động quân sự có phần rời rạc tại Triều Tiên trong thời gian qua, tình báo Mỹ cho rằng, ít nhất cũng phải có vài trường hợp dương tính với COVID-19 tại quốc gia châu Á. Tuy nhiên, các nhà máy tại Triều Tiên có thể tận dụng cơ hội để "bù đắp" cho tình trạng thiếu hụt trong một số ngành sản xuất dưới tác động của đại dịch lên hai láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bất ngờ điều Triều Tiên có thể làm khi cả thế giới bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch Kim Jong-un thăm một nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Bình Nhưỡng (ảnh: KCNA)

Nghe có vẻ khó tin nhưng có khả năng chúng ta đã đang mặc quần áo được sản xuất tại Triều Tiên. Thành phố biên giới Đan Đông tại Trung Quốc là một trung tâm của ngành sản xuất may mặc nước này. Vật liệu thường được chuyển bất hợp pháp qua sông Áp Lục tới các nhà máy bí mật tại thành phố Sinuiju, Triều Tiên. Sau khi sản phẩm được hoàn thành, người ta lại chuyển chúng về Trung Quốc để dán mác "Made in China" (sản xuất tại Trung Quốc) trong một khâu cuối trước khi chuẩn bị tung ra thị trường.

Làm như trên, các nhà sản xuất có thể tiết kiệm được tới 75% chi phí sản xuất. Nguyên do là các nhà máy tại Triều Tiên thuộc quyền sở hữu của nhà nước và mức lương chi trả cho công nhân thì cực kỳ rẻ so với Trung Quốc.

"Tại Triều Tiên, công nhân nhà máy không được đi vệ sinh khi họ muốn nếu không họ sẽ làm chậm lại cả dây chuyền sản xuất", một doanh nhân Trung Quốc gốc Triều làm việc tại cả hai miền biên giới cho hay. "Họ không giống như những công nhân Trung Quốc chỉ làm việc vì tiền. Người Triều Tiên có một thái độ rất khác biệt: họ tin rằng, họ đang lao động vì đất nước và vì nhà lãnh đạo của mình".

Bất ngờ điều Triều Tiên có thể làm khi cả thế giới bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Hai cây cầu bắc qua sông Áp Lục tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh - kết nối Triều Tiên và Hàn Quốc (ảnh: SCMP)

Tờ SCMP dẫn lời một số nguồn tin từ thành phố Đan Đông tiết lộ, những công ty chuyên về may mặc thường "giao lưu" với các nhà sản xuất Trung Quốc, giới chức chính phủ Triều Tiên và người mua từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga – những khách hàng đang tìm kiếm các chuỗi cung cấp càng rẻ càng tốt.

Một vài năm trước đây, thương hiệu thời trang thể thao và đi biển của Úc Rip Curl từng buộc phải nói lời xin lỗi khi bị phát hiện ra, những bộ quần áo trượt tuyết của hãng được sản xuất tại Triều Tiên nhưng lại dán nhãn "Made in China" trước khi được phân phối tới người tiêu dùng. Rip Curl nói họ không biết gì về điều này, đồng thời đổ lỗi cho một nhà cung cấp Trung Quốc đã tiến hành thuê ngoài với "một nhà thầu không có thẩm quyền".

"Các công ty Trung Quốc đã sử dụng lao động Triều Tiên tại Đan Đông trong nhiều năm nay", ông Gerhard Flatz, một giám đốc quản lý của nhà sản xuất trang phục thể thao KTC tại Quảng Đông cho hay. "Từ những tin tức tôi biết được, người lao động được đưa qua biên giới. Người lao động Triều Tiên tới làm việc ở Trung Quốc nhưng nhận được mức lương thấp hơn đáng kể so với công dân Trung Quốc".

Bất ngờ điều Triều Tiên có thể làm khi cả thế giới bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Nữ công nhân Triều Tiên tại thành phố Đan Đông (ảnh: getty imges)

Mặc dù đất nước phải chịu những lệnh trừng phạt nặng nề từ cộng đồng quốc tế, năm 2016, ngành công nghiệp dệt may được ước tính có giá trị vào khoảng 725 triệu USD và chiếm một tỷ lệ đáng kể trong nền kinh tế Triều Tiên. Ngành dệt may đem tới việc làm cho một số lượng lớn người dân Triều Tiên, và Bình Nhưỡng có thể tận dụng cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu như một cơ hội để gia tăng sản xuất, đồng thời đảm bảo Triều Tiên sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong các chuỗi cung cấp tương lai.

Tất nhiên, hợp tác với Triều Tiên cũng đi kèm với những nguy cơ địa chính trị không hề nhỏ. Ngay cả trong thời điểm hiện tại, hầu hết các thương hiệu quốc tế đều vẫn ngần ngại trước ý tưởng công khai làm việc với một quốc gia nơi mà điều kiện làm việc cho công nhân vẫn luôn phải đối mặt với những đánh giá tiêu cực từ nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.

Một báo cáo của Tổ chức Quan sát Nhân quyền chỉ ra, có tình trạng ép buộc lao động một cách có hệ thống tại Triều Tiên để duy trì nền kinh tế. "Những gì công nhân Triều Tiên nhận được còn kém rất xa so với các tiêu chuẩn lao động quốc tế", báo cáo viết. Họ không được tự do giao thiệp hoặc thể hiện, bị kiểm soát bởi những cấp trên muốn giới hạn việc tự do di chuyển và tiếp cận thông tin từ thế giới bên ngoài, giờ làm việc dài và không có quyền từ chối làm thêm giờ".

Cho dù vậy, giờ đây khi mà hầu hết các người lao động Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn phải trải qua thời gian cách li hoặc bị phong tỏa theo yêu cầu của chính phủ, thì Triều Tiên được coi là một cơ hội để các chủ nhà máy kiếm được một vài triệu USD trong những hợp đồng đang ngày càng ít dần đi mỗi tuần.

"Tôi tin, chính người Trung Quốc chứ không phải là người Hàn Quốc, sẽ tận dụng lợi thế từ Triều Tiên", ông Flatz đánh giá, "đặc biệt trong bối cảnh con đường cao tốc 4 làn từ Trung Quốc tới Triều Tiên đã đi vào hoạt động".

Tuy nhiên, tất cả những điều trên có thể thực hiện được là nhờ vào niềm tin rằng Triều Tiên không bị lây nhiễm COVID-19 như chính quyền Bình Nhưỡng từng nhấn mạnh. Việc Triều Tiên bị cô lập so với phần còn lại của thế giới có thể giúp họ thoát khỏi tình trạng tồi tệ của dịch bệnh – không một chuyến bay quốc tế nào được phép vận hành và rất khó để virus vượt qua nổi các đường biên giới được canh gác cẩn mật của Triều Tiên.

Thế nhưng vẫn có những thực tế không thể chối cãi, đó là biên giới Triều Tiên và Trung Quốc sở hữu biên giới dài với địa hình phức tạp; ngoài ra, do hệ thống y tế hạn chế và các lệnh trừng phạt kinh tế, phần lớn dân số Triều Tiên không có đủ dinh dưỡng và dễ tổn thương trước bệnh tật.

Nếu COVID-19 xâm nhập đất nước, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát thảm họa nhân đạo lớn hơn rất nhiều so với các láng giềng xung quanh – và việc sản xuất quần áo bất hợp pháp sẽ trở thành một trong những vấn đề ít bị để ý nhất.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ