• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ vắng mặt tại hội nghị về vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới, Mỹ đang giấu "con bài" gì?

Thế giới 05/05/2020 11:26

(Tổ Quốc) - Hôm thứ 2 (4/5), các nhà lãnh đạo thế giới đã có mặt trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và cam kết sẽ sử dụng hàng tỷ USD vào phát triển vaccine cũng như thuốc điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về chăm sóc sức khỏe và y tế - Mỹ, lại từ chối có mặt. Hội nghị, do Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Ursula von der Leyen chủ trì, đặt mục tiêu gây quỹ được 8,2 tỷ USD từ các chính phủ, nhà từ thiện, lĩnh vực tư nhân… cho cuộc chiến đối phó với đại dịch virus corona mới. Các nguyên thủ tham dự bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan…

"Chúng ta hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm càng nhiều thì các nhà khoa học của chúng ta sẽ càng sớm thành công", Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh. "Cuộc chạy đua chế tạo vaccine để đánh bại virus không phải là một cuộc cạnh tranh giữa các nước mà đó là một sự cố gắng khẩn cấp nhất được chia sẻ trong cuộc đời của chúng ta".

Bất ngờ vắng mặt tại hội nghị về vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới, Mỹ đang giấu "con bài" gì? - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau hội nghị trực tuyến toàn cầu về vaccine cho COVID-19 (ảnh: getty)

Cũng trong ngày 4/5, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump bày tỏ sự hoan nghênh trước các nỗ lực của những bên tham dự hội nghị; tuy nhiên, ông không giải thích tại sao Mỹ không tham gia.

"Nhiều tổ chức và chương trình mà hội nghị này muốn hỗ trợ, vốn đã nhận được ngân sách và ủng hộ từ chính phủ Mỹ và lĩnh vực tư nhân", quan chức giấu tên trên cho hay.

Mặc dù vậy, giới chức y tế và các nhà nghiên cứu vẫn thể hiện sự ngạc nhiên.

"Đây là lần đầu tiên một hội nghị cam kết quốc tế lớn như vậy được tổ chức vì một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà Mỹ lại vắng mặt", ông Jeremy Konyndyk, một chuyên gia từng tham gia các hoạt động đối phó với dịch bệnh Ebola dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận định.

Theo ông, trong bối cảnh chưa ai biết khi nào vaccine sẽ ra đời, việc hỗ trợ các nỗ lực đa phương và cùng lúc là rất quan trọng. "Thế nhưng, thay vì làm vậy, chúng ta dường như chỉ đang tập trung tìm cách chiến thắng cuộc đua với hy vọng chúng ta là một trong những người thành công", ông Konyndyk, hiện là một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu nói.

Bất ngờ vắng mặt tại hội nghị về vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới, Mỹ đang giấu "con bài" gì? - Ảnh 2.

Các nhân viên hải quan của Thái Lan được trang bị thiết bị bảo hộ phòng tránh lây nhiễm COVID-19 (ảnh: Bankok Post)

Tại hội nghị, các đại biểu cũng khẳng định mong muốn về một sự đoàn kết.

"Chúng ta không thể chỉ để các nước giàu có mới sở hữu vaccine và không chia sẻ nó với thế giới", Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho hay. Còn Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi, "hãy để cộng đồng quốc tế đoàn kết và vượt qua cuộc khủng hoảng này".

Nga và Ấn Độ cũng không xuất hiện trong hội nghị. Đại sứ Bắc Kinh EU Zhang Ming bất ngờ thay thế Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào phút chót.

Quan chức Mỹ bình luận, Mỹ hiện là "nhà tài trợ y tế và nhân đạo lớn nhất thế giới; và người dân Mỹ tiếp tục thể hiện sự hào phóng đó trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19". "Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp chất lượng cao và minh bạch thêm nữa từ các nước khác", người này nói.

Chính phủ Mỹ đã cung cấp các khoảng 775 triệu USD viện trợ y tế khẩn cấp, nhân đạo, y tế và phát triển cho các chính phủ, tổ chức quốc tế và quỹ từ thiện trong đại dịch COVID-19. Quan chức cũng tiết lộ, Mỹ đang trong chuẩn bị có thêm các khoản đóng góp trị giá gấp đôi số tiền trên.

Tuy nhiên, cũng có ít nhất một "đại diện" của Mỹ trong hội nghị trực tuyến ngày 4/5: Quỹ Bill & Melinda Gates. Quỹ này cam kết sẽ dành 125 triệu USD cho cuộc chiến chống lại COVID-19. "Virus không quan tâm anh có quốc tịch nào", bà Melinda Gates phát biểu tại hội nghị. "Chừng nào nó còn ở đâu đó, nghĩa là nó có mặt ở mọi nơi".

Các nhà khoa học toàn cầu đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương thuốc hữu hiệu đối phó với COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 8 vaccine đang trong quá trình thử nghiệm trên người và 94 vaccine khác đang được phát triển.

Tuy nhiên, tìm ra được loại vaccine hiệu quả nhất mới chỉ là một phần của thách thức. Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm dự đoán, sau khi vaccine ra đời, tình trạng khan hiếm sẽ xảy ra do không thể có đủ vaccine cho tất cả mọi người ngay trong giai đoạn đầu. Và việc triển khai có thể sẽ rất khó khăn, đặc biệt tại các quốc gia có hạ tầng cơ sở y tế yếu kém.

Trong số các vaccine đang được thử nghiệm trên người bao gồm một dự án nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh. Với hy vọng, vaccine sẽ thành công vào mùa thu năm nay, quá trình thử nghiệm trên người đã bắt đầu từ ngày 23/4. "Trong thời gian bình thường", Bộ trưởng Y tế Ah Matt Hancock tiết lộ, "để đạt tới giai đoạn này có thể cần tới vài năm".

Các nhà khoa học khác đang nỗ lực tìm ra các phương thuốc chống virus hoặc sử dụng ngay những loại thuốc đang tồn tại như remdesivir. Một số phương pháp tiếp cận đang được thử nghiệm có thể kể tới như điều trị bằng huyết tương của những người đã hồi phục từ virus…

Hội nghị bày tỏ mong muốn, thông qua hợp tác cùng nhau, thế giới sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp thích hợp và sau đó, chúng có thể được thực hiện trên toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở các nước giàu hoặc các nước phát triển được vaccine đầu tiên.

Bất ngờ vắng mặt tại hội nghị về vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới, Mỹ đang giấu "con bài" gì? - Ảnh 4.

Một cặp đôi đeo khẩu trang tạm biệt nhau tại thủ đô Brussels, Bỉ (ảnh: AP)

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới còn khẳng định sự ủng hộ dành cho WHO. Tháng trước, Tổng thống Trump công bố dừng viện trợ cho WHO vì cho rằng, tổ chức này "thiên vị" Trung Quốc trong việc công bố và xử lý đại dịch. Một số chuyên gia y tế tỏ ra đồng tình với các chỉ trích từ phía Mỹ nhưng họ cùng lúc vẫn phê phán động thái dừng tài trợ của ông Trump.

Ông Peter Jay Hotez từ Trường Y khoa Nhiệt đới thuộc Đại học Y khoa Baylor chỉ ra, Mỹ luôn là nhà tài trợ chính cho các sản phẩm y tế mới trên thế giới. Theo ông, Mỹ đã gánh vác trách nhiệm đầu tư vào công nghệ y tế toàn cầu trong khi các nước khác như Trung Quốc không làm được như vậy.

"Có hơn một cơ chế hỗ trợ công nghệ y tế toàn cầu – đó không phải là một điều tệ hại", ông Hotez nói. "Nếu tất cả đều đặt dưới một chiếc ô, anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ một số ý kiến sẽ thống trị toàn bộ và anh có thể sẽ không có được công nghệ tốt nhất".

Ông Hotez và các cộng sự đang nghiên cứu một loại vaccine chống COVID-19 dựa trên công nghệ chi phí thấp hiện có và từng được sử dụng để chế tạo vaccine viêm gan B. Một trong những nguyên do để ông lựa chọn hướng đi này là do lo ngại về khả năng phân phối vaccine trong tương lai. "Tôi không tin rằng, một số công nghệ hiện đại vốn chưa từng được sử dụng để chế tạo vaccine trước đây và hiện đang được thử nghiệm, lại có thể sớm tới được các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp", ông Hotez chia sẻ.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ