• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biến phế phẩm thành tác phẩm là xu hướng của nghệ thuật đương đại nhưng không ai mua về để bày trong nhà

Văn hoá 02/05/2019 14:12

(Tổ Quốc) - Trước những biến đổi của khí hậu, của tự nhiên trong quá trình phát triển xã hội, nhiều quốc gia và các công dân địa cầu, các nghệ sĩ... bằng hành động của mình, đã lên tiếng thể hiện trách nhiệm trước những thay đổi, ảnh hưởng tới môi trường sống.

Hình ảnh những con cá voi to nặng hàng chục tấn bị chết đói vì ăn phải rác thải nhựa, những con rùa biển bị tật vì rác thải nhựa quấn quanh cổ, những cánh hải âu bám đầy dầu đen kịt… khiến chúng ta cảm thấy bức xúc và đau xót bởi những gì đã và đang làm với thiên nhiên.

Cùng chung những suy nghĩ và cảm nhận này về thiên nhiên, một nhà điêu khắc ở Huế từ lâu đã theo đuổi đề tài về thiên nhiên. Trước những biến đổi của tự nhiên và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái đã sáng tác những tác phẩm về chủ đề biến đổi tự nhiên với một mong muốn, qua những tác phẩm của mình người xem phần nào sẽ ý thức hơn về những hành động của mình để cùng chung tay bảo vệ hành tinh xanh.

"Hàng ngày thấy môi trường ô nhiễm quá, cách mạng 4.0 rồi mà ra ngoài hàng ăn cũng thấy sợ nhỡ ăn phải thực phẩm bẩn, sông hồ ô nhiễm vì rác thải, hoa trái thì phun thuốc trừ sâu diệt cỏ… Cần phải lên tiếng thôi!" Đó là những gì nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái, hiện sinh sống ở thành phố Huế, chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc.

Biến phế phẩm thành tác phẩm là xu hướng của nghệ thuật đương đại nhưng không ai mua về để bày trong nhà  - Ảnh 1.

Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái (ở giữa ảnh)

Trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với thiên nhiên

- Thưa nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái, được biết anh đã có những tác phẩm sáng tác về đề tài thiên nhiên từ lâu, nhiều tác phẩm đoạt giải của anh cũng hướng tới những ý nghĩa nhân văn, những gì đẹp đẽ trong cuộc sống. Trong triển lãm cá nhân đầu tiên của anh với tên HẠT, công chúng lại một lần nữa thấy những điều này hiện hữu trong các tác phẩm. 33 tác phẩm điêu khắc tròn lần này của anh có những tác phẩm được làm từ phế liệu, tại sao anh lại lựa chọn những chất liệu này để sáng tác?

+ Biến phế phẩm thành tác phẩm là xu hướng chung của nghệ thuật đương đại, khi mà vấn đề về môi trường đang nhức nhối toàn cầu. Tôi cũng không ngoại lệ.

Với những vật dụng bỏ đi như nhựa từ xe máy, nhôm từ đồ dùng nấu ăn, sắt thải ra từ công trình... nếu thải ra môi trường, chúng sẽ trở thành rác chất chồng lên rác. Từ đó tôi nảy sinh những ý tưởng nghệ thuật, kết hợp chúng thành hình khối mang thông điệp bảo vệ môi trường, mong tìm được tiếng nói đồng cảm, trăn trở, chung tay từ người xem.

Một số tác phẩm nói về sự chuyển động của HẠT, về hạnh phúc, tình yêu... qua đó mọi người sẽ thấy được giá trị thẩm mỹ của phế liệu nếu biết tận dụng, trân trọng nó.

- Những tác phẩm trưng bày trong triển lãm lần này có theo mạch sáng tác về thiên nhiên của anh hay không?

+ Trước đây tôi cũng có những mạch sáng tác về đề tài thiên nhiên, nhưng những tác phẩm triển lãm lần này là cảm hứng riêng từ 10 năm trước, tôi đã thai nghén để hình thành.

Trong lần này, các tác phẩm của tôi được thực hiện với mong muốn thiên nhiên được trong sạch hơn, môi trường trong sạch hơn, để sức sống của HẠT được phát triển tốt hơn.

- Qua những triển lãm nghệ thuật như thế này, các nghệ sĩ sẽ có cơ hội được cất lên tiếng nói của mình, đặc biệt như anh, nói lên được trách nhiệm của người nghệ sĩ trước thiên nhiên, trước các vấn đề môi trường, có phải như vậy không anh?

+ Thời đại công nghiệp hủy hoại môi trường quá nhiều, sông ngòi ô nhiễm, cá mú chim chóc bị chết, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tràn lan… ăn cái gì cũng sợ. Cái cảm nhận của mình là không được an toàn vào thời điểm xã hội đang phát triển. Ra ngoài quán ăn nhìn cái gì cũng sợ, rau này phun thuốc, thức ăn này không an toàn. Con người sống trên nỗi lo sợ. Vì vậy tôi nghĩ mình cần phải hành động để qua tác phẩm của mình cảnh báo mọi người.

Với triển lãm lần này, tôi cũng cố gắng để mọi người có những suy nghĩ của mình, về trách nhiệm của mình với môi trường, để môi trường trong sạch thì ai cũng phải tự giác. Mỗi người một chút thì môi trường trong sạch hơn, để Hạt được nảy mầm và phát triển tốt hơn.

hat 1
hat 1
hat 4
hat 4
hat 3
hat 3

Các tác phẩm điêu khắc là sự chuyển mình của HẠT

- Anh từng đoạt giải triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với tác phẩm nói về đề tài thiên nhiên, vậy các tác phẩm của anh có "đắt hàng"?

Tác phẩm Hiệu ứng kính tôi đoạt giải thưởng Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010 cũng nói về đề tài môi trường. Tuy nhiên vì các sáng tác về môi trường nên các tác phẩm tôi làm hầu như… không bán được. Bởi lẽ không ai mua "rác" về bày trong nhà cả.

- Tôi thấy ở thành phố Huế thường xuyên có các hoạt động triển lãm, anh có tham gia các hoạt động này hay không?

+ Tôi cũng hay tham gia các triển lãm như vậy, tuy nhiên những tác phẩm trưng bày đơn lẻ thì cũng không nói lên hết được điều mình muốn nói.

Ở Huế cũng có nhiều nghệ sĩ sáng tác về đề tài thiên nhiên như Nguyễn Khắc Tài, Nguyễn Văn Hè… các anh cũng đều dành sự quan tâm đến chủ đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống.

- Chủ đề và tên gọi triển lãm là HẠT, hạt khiến người ta nghĩ tới thiên nhiên, còn anh thì có ý đồ gì khi đặt tên như vậy?

+ Với HẠT, tôi lấy chất liệu từ thiên nhiên, kể về cuộc đời của hạt từ khi nó được chôn vào bóng tối của lòng đất đến khi vươn ra tìm ánh sáng của sự sống. Mỗi hạt có một hình khối riêng, một tâm tình riêng như cuộc sống đa dạng vốn có của nó. Tuy nhiên, một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ dừng lại ở việc mô phỏng thì thật sơ sài.

Qua HẠT, tôi muốn nói đến sự chuyển động và sức sống trong lòng của vạn vật, những diệu kì từ quy luật tồn vong của muôn loài. Hạt mầm tình yêu, ước mơ, niềm tin.. trong bạn và tôi có đủ sức sống để trỗi dậy thành những chồi xanh hay chưa? Đó là những ý tưởng tôi muốn gửi gắm qua triển làm HẠT của mình.

- Với những kiến thức, kinh nghiệm sáng tác, anh đã phải vận dụng những gì để truyền tải ý tưởng, gắn kết tác phẩm với thiên nhiên. Tại sao anh lại chọn điêu khắc để thể hiện ý tưởng của mình vậy?

+ Vấn đề quan trọng là chất liệu. Tôi chọn chất liệu gần gũi với cuộc sống và bản thân HẠT đã là thiên nhiên, là tác phẩm điêu khắc rồi. Kết hợp các chất liệu, các màu sắc thế nào để chúng vừa hòa hợp, vừa tôn nhau mà vẫn là tự nhiên? Làm sao để tái hiện được cơ thể của hạt đang trong trạng thái chuyển động? Câu trả lời là quá trình nghiên cứu, quan sát, rồi tìm ra một qui luật và chuyển thể nó thành tác phẩm.

Còn Tại sao tôi lại chọn điêu khắc? đơn giản là bởi tôi được học chuyên ngành điêu khắc. Ở HẠT tôi dùng điêu khắc là đúng với ngôn ngữ diễn đạt của hình khối - sức mạnh và sự sống của chính nó.

hat
hat
hat 2
hat 2

Dùng nghệ thuật để kỳ vọng những thay đổi tích cực hướng tới thiên nhiên

- Trong hơn 20 năm sáng tác, đã bao giờ anh thất bại trong việc chuyển tải các ý tưởng vào tác phẩm của mình hay chưa? Cảm giác lúc đó của anh thế nào?

+ Thất bại khi tác phẩm không truyền tải được ý tưởng của mình là điều mà hẳn người làm nghệ thuật nào cũng từng trải qua.

Buồn nhưng không cho phép mình nản chí, bế tắc mà phải tiếp tục tìm tòi, khơi thêm cảm xúc… và tôi luôn cố gắng điều chỉnh cho đến khi nào mình thỏa mãn được nó mới thôi.

- Có nhiều cách để dùng cái đẹp, dùng các tác phẩm nghệ thuật, để tác động nâng cao nhận thức của con người về thiên nhiên, anh có nghĩ tác phẩm của mình đã làm được điều đó?

+ Theo tôi, đích đến của bất kì tác phẩm nghệ thuật nào cũng là lay động được cảm xúc thẩm mỹ của con người. Những tình cảm tốt đẹp; những cách sống, suy nghĩ, thái độ tích cực hướng đến thiên nhiên, môi trường... là những kỳ vọng mà tôi gửi gắm qua các tác phẩm lần này.

Tuy nhiên, điều mà tác phẩm làm được vẫn còn rất khiêm tốn, sức lan tỏa của nó chưa xa. Rất cần những cảm nhận, phản hồi chân thành từ phía đồng nghiệp, người xem để tác phẩm có đề tài tương tự ngày càng hoàn thiện sứ mệnh của mình.

- Sau HẠT anh có ý tưởng nào mới để tiếp tục sáng tác chưa?

+ Tôi vẫn luôn cố gắng để làm mới tác phẩm và ý nghĩa của nó từ những đề tài tôi đã và đang theo đuổi. Luôn tìm chất liệu, đề tài, hình thức thể hiện mới hơn để hòa nhập được với xu hướng chung của thời đại.

- Cảm ơn nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái. Xin chúc anh thành công với những lựa chọn thực sự ý nghĩa trong sự nghiệp sáng tác của mình!


Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái


Sinh ngày 28/8/1974 tại Quảng Bình.

Hiện sống và làm việc tại Huế.

Lê Ngọc Thái từng tham gia các triển lãm: Triển lãm khu vực Bắc miền Trung qua các năm 2004-2018; Triển lãm điêu khắc 10 năm toàn quốc, năm 2003-2013; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005-2010.

Triển lãm HẠT là triển lãm cá nhân đầu tiên của Lê Ngọc Thái và cũng là triển lãm cá nhân về điêu khắc đầu tiên ở Huế.

Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái từng nói: "Nghệ thuật là niềm đam mê của tôi từ khi còn rất nhỏ, nó gắn liền với tuổi thơ và cuộc sống đồng quê. Tôi chọn Huế là quê hương thứ hai của mình không chỉ bởi Huế là cái nôi của nền điêu khắc nói riêng, của mỹ thuật nói chung, với tôi, Huế còn là ký ức đẹp của một thời hăm hở đi tìm chính mình, là nơi nuôi dưỡng, giục giã trong tôi những khát vọng được khẳng định, được cống hiến, được sáng tạo…"

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ