• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Thông tin và Truyền thông là "người nhà" của phóng viên tác nghiệp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Thời sự 25/02/2019 15:50

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về công tác chuẩn bị truyền thông trước thềm Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sắp diễn ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng ngày 25/2 về công tác chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng gây ấn tượng với tuyên bố, Bộ TT&TT là "người nhà" của tất cả các bạn phóng viên quốc tế và trong nước trong những ngày tác nghiệp tại Hà Nội.

Bộ Thông tin và Truyền thông là người nhà của phóng viên tác nghiệp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại họp báo (ảnh: Nam Nguyễn)

Cho tới thời điểm hiện tại, có gần 3.000 phóng viên quốc tế của trên 200 hãng thông tấn báo chí quốc tế, đến từ gần 40 quốc gia và vũng lãnh thổ; cùng khoảng 550 phóng viên trong nước – đăng ký tham dự đưa tin về Thượng đỉnh tại Hà Nội. Số lượng này lớn hơn nhiều so với con số phóng viên tác nghiệp tại thượng đỉnh APEC diễn ra ở Đà Nẵng năm 2017.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trong khi với APEC 2017, thời gian chuẩn bị được tính bằng tháng, thì đối với thượng đỉnh Mỹ - Triều, thời gian lại chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10 ngày.

Bộ Thông tin và Truyền thông là người nhà của phóng viên tác nghiệp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - Ảnh 2.

Có gần 3.000 phóng viên quốc tế đăng ký tác nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh lần này (ảnh: Nam Nguyễn)

Đề cập tới trung tâm báo chí quốc tế đặt tại Cung Hữu nghị Việt – Xô, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: "Trung tâm báo chí tại đây sẽ đảm bảo hoạt động cho ít nhất 4.000 phóng viên".

Theo ông, một trong những thách thức lớn nhất của một trung tâm báo chí phục vụ cho sự kiện lớn có nhiều người tham gia như lần này, đó là phải đảm bảo đường truyền thông suốt, không bị nghẽn mạch. Và đây chính là những gì nước chủ nhà Việt Nam muốn đem tới cho truyền thông quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một số thông tin minh họa cụ thể như: nếu tất cả 4.000 phóng viên tại trung tâm cùng dùng wifi một lúc thì tốc độ đường truyền tối thiểu sẽ là 5MB/s, tốc độ truyền tin quốc tế tối thiểu sẽ là 3MB/s – cho mỗi người; có khoảng gần 1.500 điểm truy cập Internet cố định với tốc độ tối thiểu là 20 MB/s và 10 MB/s cho đường truyền quốc tế; trên 30 trạm phát sóng 4G, 3G để đảm bảo không bị nghẽn mạng di động; đảm bảo chất lượng đường truyền của các kênh truyền hình vệ tinh từ Việt Nam ra quốc tế…

Một lợi thế của trung tâm báo chí, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chính là vị trí rất thuận lợi cho tác nghiệp của phóng viên. Ông cũng cho biết, Bộ TT&TT đã cử ra hai Thứ trưởng phụ trách hạ tầng viễn thông và thông tin tuyên truyền - có mặt thường xuyên tại đây để giải quyết nhanh và hiệu quả nhất các vấn đề của truyền thông và báo chí đưa tin về thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ