(Tổ Quốc) - Trước thực trạng bạo lực học đường liên tục diễn ra tại một số cơ sở giáo dục với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ GDĐT đã ra chỉ thị tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
- 05.04.2019 "Nhùng nhằng" trong trách nhiệm quản lý thì khó có thể giải quyết được bạo lực học đường, dâm ô trẻ em
- 02.04.2019 Bạo lực học đường: đau lòng khi con trẻ tự bảo vệ mình bằng cách im lặng
- 02.04.2019 Thủ tướng: Đừng để bạo lực học đường khiến người dân phẫn nộ
- 22.12.2018 Hà Nội yêu cầu các đơn vị thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin bạo lực học đường
- 03.12.2016 Chuyên gia tâm lý chỉ cách đối phó với vấn nạn bạo lực học đường
Trước thực trạng bạo lực học đường đang gia tăng, để tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo giáo viên và đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị định, quyết định về hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 và các văn bản quy định về phòng, chống bạo lực học đường.
Hình ảnh Hội nghị bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường. Xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức ở địa phương.
Đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống bạo lực học đường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi, bãi tập; bố trí giáo viên bảo đảm số lượng, cơ cấu, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.
Xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường để việc thực hiện kế hoạch hiệu quả… Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường. Bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư vấn tâm lý, để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học.
Tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội.
Tổ chức ký cam kết phối hợp hằng năm giữa gia đình học sinh với cơ sở giáo dục về việc quản lý, giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.
Tham mưu các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp với nhà trường trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Xây dựng quy chế phối hợp với công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mạng lưới bảo vệ trẻ em của địa phương trong công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Phối hợp với công an, các lực lượng chức năng để khẩn trương điều tra, xác minh các vụ bạo lực học đường, vi phạm pháp luật xảy ra ở cả trong và ngoài nhà trường; xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh có hành vi bạo lực học đường theo quy định.
Bộ cũng đề ra các giải pháp cụ thể đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, công đoàn giáo dục Việt Nam… trong quá trình phối hợp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và góp phần hạn chế được tình trạng bạo lực học đường hiện nay, bảo đảm an toàn trường học.
Sáng 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ GDĐT, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam và các Cục, Vụ thuộc Bộ GDĐT.
Tại các điểm cầu cấp tỉnh, thành phố, có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Ban Giám đốc các Sở GDĐT, công đoàn ngành giáo dục, đại diện lãnh đạo, công an, sở VHTTDL, sở TTTT, Sở LĐTBXH...
Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân vì bạo lực học đường hiện là một vấn đề nóng trong xã hội. Tới thời điểm này đã có nhiều ý kiến thiết thực được đưa ra nhằm 'chung tay' hạn chế tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an toàn trong trường học.