• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch: “Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”

Thời sự 21/05/2020 09:05

(Tổ Quốc) - Sáng nay (21/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết và đặc biệt quan trọng

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, việc ban hành Luật Biên phòng là cần thiết vì xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch: “Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” - Ảnh 1.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế thực thi nhiệm vụ biên phòng còn những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, việc đầu tư của nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.

Ngoài ra, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

“Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới” - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Đầy đủ trình tự, thủ tục

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP và yêu cầu của thực tiễn, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Quá trình thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục soạn thảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lấy ý kiến 19 bộ, ngành, Ủy ban nhân dân 44 tỉnh, thành biên giới đối với hồ sơ dự thảo Luật; khảo sát, tọa đàm, hội thảo tại 3 khu vực (miền Bắc, miền Trung, miền Nam) với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành 17 tỉnh biên giới, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn.

Ngày 19/12/2019, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 266/BC-BTP về thẩm định dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ theo quy định. Tại Phiên họp thường kỳ tháng 1 năm 2020 của Chính phủ, các Thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất thông qua dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng thông tin, hiện, Dự án Luật đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Được biết, trên cơ sở 3 chính sách đã xác định và đánh giá tác động được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua, dự án Luật Biên phòng có 7 chương, 33 điều.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ