• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bom hạt nhân: Saudi đối đầu trực diện Iran?

Thế giới 10/05/2018 14:06

(Tổ Quốc) - Saudi Arabia đã đe doạ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Saudi Arabia đã đe doạ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt – động thái diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir hoan nghênh quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015. JCPOA là thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt và có sự tham gia bảo trợ của Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir. (Nguồn: Reuters)

Saudi kiên trì lập trường cứng rắn với Iran

Ông Trump cùng với Israel và Saudi Arabia đã cáo buộc thỏa thuận trên quá khoan dung đối với các hoạt động hạt nhân của Iran, để yên cho Iran phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ cho các lực lượng bán quân sự trên khắp Trung Đông.

Khi Iran xem xét lại cam kết của nước này đối với thỏa thuận trên – hiện không còn bảo vệ họ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ, ông Jubeir nói với CNN, "Tôi tin rằng nếu Iran khởi động lại chương trình làm giàu (uranium) vượt quá những gì họ làm ngay bây giờ, điều này sẽ kích hoạt việc đáp trả và khiến tất cả các thành viên còn lại trong P5 [ năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc] từ bỏ JCPOA và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran".

Khi được hỏi Saudi Arabia sẽ làm gì, Jubeir nói, "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo vệ người dân. Chúng tôi đã nói rõ rằng nếu Iran tiếp cận lại sức mạnh hạt nhân, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để có hành động tương tự".

Trước đó, Hoàng thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman nói với CBS News hồi tháng 3 rằng, "Saudi Arabia không muốn có bất kỳ quả bom hạt nhân nào, nhưng không nghi ngờ gì nữa, nếu Iran phát triển một quả bom hạt nhân, chúng tôi sẽ theo sát càng sớm càng tốt".

Iran đã duy trì hoạt động hạt nhân chỉ vì mục đích hòa bình và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vẫn xác minh việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tuy nhiên, Hoa Kỳ, Israel và Saudi Arabia vẫn còn nghi ngờ về điều này.

Trong một tuyên bố của hãng thông tấn chính thức Saudi SPA, vương quốc Hồi giáo Sunni này cho biết họ "ủng hộ và hoan nghênh các bước đi được Tổng thống Donald Trump công bố về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.Vương quốc (Saudi) cũng ủng hộ việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền Iran – điều đã bị đình chỉ theo thỏa thuận hạt nhân".

"Vương quốc cũng khẳng định cam kết hợp tác với các đối tác tại Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế để đạt được các mục tiêu mà Tổng thống Trump công bố, và sự cần thiết phải giải quyết các mối nguy hiểm do chính sách của Iran gây ra đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Sự hợp tác này không chỉ giới hạn trong chương trình hạt nhân, mà còn là các hoạt động thù địch của Iran, bao gồm việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực, hỗ trợ khủng bố, cũng như ngăn chặn Iran không bao giờ được sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt”, tuyên bố trên cho biết thêm.

Cạnh tranh ảnh hưởng Trung Đông

Saudi Arabia và Iran đã từ lâu đã bị vây trong một cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ chính thức với Iran vào đầu năm 2016 khi những người biểu tình Iran tấn công đại sứ quán của Riyadh tại Tehran nhằm đáp trả một giáo sĩ Hồi giáo người Shiite nổi tiếng bị bắt giữ tại Saudi Arabia.

Ba đối thủ hàng đầu của Iran cho biết việc Tehran phát triển các tên lửa đạn đạo mạnh mẽ hơn, tầm xa hơn và sự ủng hộ của các nhóm Hồi giáo Shiite đa số ở nước ngoài đã gây bất ổn cho Trung Đông. Saudi Arabia hiện đang dẫn đầu một liên minh tham chiến chống lại nhóm Hồi giáo Zaidi  Shiite nổi dậy tại Yemen - còn được gọi là Houthis hay Ansar Allah. Lực lượng này gần đây thường phóng tên lửa nhắm vào Riyadh – điều Saudi Arabia cáo buộc là lấy tên lửa từ Iran để nhắm tới nước này.

Cả Houthis và Iran đều phủ nhận bất kỳ sự liên hệ quân sự nào, tuy nhiên vẫn có quan hệ về mặt chính trị trong các vấn đề khu vực. Iran và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của họ có mối quan hệ mật thiết với các nhiều nhóm vũ trang khác như Hezbollah của Lebanon và các lực lượng dân quân trong khu vực để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. Còn Israel coi các nhóm do Iran hậu thuẫn là một mối đe dọa và đã tiến hành một số cuộc tấn công chống lại họ.

Hiện tại, Israel là sức mạnh duy nhất trong khu vực được cho là có sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo truyền thống, họ không xác nhận cũng không phủ nhận sự tồn tại của chúng. Các quốc gia hạt nhân khác là Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pakistan, Ấn Độ và Triều Tiên.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ