(Tổ Quốc) -Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định tại lễ bế mạc “Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa-2016” diễn ra vào tối 2/7.
Tham dự lễ bế mạc tại Nhà hát Quân đội TP.HCM có ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Đăng Chương-Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Chu Thúy Quỳnh-Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cùng đại diện các sở ngành và 30 biên đạo trẻ đến từ 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật, vũ đoàn trên mọi miền đất nước.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cuộc thi đã thành công tốt đẹp
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, sau gần 3 ngày biểu diễn, sáng tạo, đua tài hào hứng và sôi nổi với lòng say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao “Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa-2016” đã thành công tốt đẹp.
“Tại cuộc thi lần này, các biên đạo trẻ đến từ các nhà hát, đoàn nghệ thuật đã tỏa sáng tài năng nghệ thuật của mình. Mỗi tác phẩm đều thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng của từng nghệ sĩ-biên đạo múa. Đề tài được khai thác rộng rãi, phong cách dàn dựng có cá tính, thủ pháp sáng tạo mới lạ và mạnh dạn như dòng máu đang chảy trong lồng ngực trẻ là những yếu tố quan trọng để tạo ra thành công của cuộc thi” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao giải cho các thí sinh đoạt HCV
Còn theo đánh giá của NSND Nguyễn Công Nhạc-Nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam-Chủ tịch Hội đồng giám khảo thì các biên đạo trẻ của cuộc thi năm nay đã có bước tiến rất rõ rệt so với cuộc thi năm 2014.
Cụ thể, đề tài được các biên đạo trẻ lựa chọn rất phong phú như đề tài chiến tranh, hậu chiến và hòa hợp dân tộc trong “Tình bạn” của Hoàng Thái Sơn; “Góc khuất” của Nguyễn Thế Duy; “Đời cát” của Trần Văn Hiệp… hoặc đề tài về thế giới tâm hồn, những rung động sâu kín của người phụ nữ Việt Nam trong tác phẩm “Cầm giả ca”, “Dạ cổ hoài lang”… hay đề tài về những trăn trở trong đời sống tâm lý, tình cảm con người Việt thời hội nhập qua tác phẩm “Cân bằng”, “Phía sau” “Vô”, “Ai điên, ai tỉnh”…
“Tất cả đã tạo nên những đêm biểu diễn đa dạng, nhiều màu sắc và cung bậc cảm xúc. Cống hiến cho khán giả những đêm thi diễn say mê”-NSND Nguyễn Công Nhạc nói.
Ngoài ra, trong cuộc thi lần này các biên đạo trẻ đã tận dụng, nắm bắt các thành công của các anh chị trong các cuộc thi trước, xây dựng tác phẩm dự thi của mình một cách sáng tạo trong khuôn khổ những quy định của cuộc thi về sử dụng các loại hình ngôn ngữ múa, nội dung tác phẩm, xây dựng hình tương nghệ thuật.
“Chúng ta có thể hy vọng một cách chắc chắn rằng những biên đạo trẻ tham gia cuộc thi tài năng năm nay sẽ là những con người gánh vác trọng trách, là lực lượng chủ đạo của đội ngũ biên đạo múa dòng chính thống trong tương lai. Đó chính là yếu tố cốt yếu, là trái ngọt mà sân chơi này mang lại cho nghệ thuật múa Việt Nam” - NSND Nguyễn Công Nhạc, khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo NSND Nguyễn Công Nhạc vẫn còn một số tồn tại cần rút kinh nghiệm. Đó là, một số tác phẩm chưa thoát khỏi sự minh họa cốt truyện bằng múa do biên đạo lúng túng trong xử lý hình tượng múa; tác phẩm dài, không cân đối với phần còn lại; có tác phẩm chưa có được sự hỗ trợ của các diễn viên giỏi khiến cho biên đạo chưa bộc lộ được kỹ năng biên đạo của mình.
Các tác phẩm xuất sắc như “Mộ lá” với phần trình diễn của thí sinh Trần Quốc Bảo và Nguyễn Thị Huyền Trang đến từ Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đăk Nông; tác phẩm “Vô” của Phạm Thế Chung và Nguyễn Duy Thành đến từ Trường Trung cấp Múa TP.HCM; tác phẩm “Cầm giả ca” của Nguyễn Thị Hằng đến từ Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội… một lần nữa được biểu diễn trong đêm bế mạc./.
Danh sách thí sinh đoạt giải tại “Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa-2016”
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL-Nguyễn Ngọc Thiện, tại lễ bế mạc Thứ trương Huỳnh Vĩnh Ái đã trao tặng giải thưởng cho các thí sinh đoạt giải cao tại cuộc thi lần này. Bốn thí sinh giành Huy chương vàng, kèm theo tiền thưởng là 7 triệu đồng, gồm: Nguyễn Thị Thanh Hằng với tác phẩm “Cầm giả ca” đến từ Trường ĐH Văn hóa Nghệ Thuật Quân đội; Sùng A Lùng với tác phẩm “Ru đêm” đến từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM; Lâm Thanh Thảo với tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” đến từ Đoàn Văn công Quân khu 9 và Nguyễn Thế Duy với tác phẩm “Góc khuất” đến từ Đoàn Văn công Quân khu I. Bảy thí sinh đoạt huy chương bạc, kèm theo tiền thương là 5 triệu đồng, gồm: Hoàng Thái Sơn với tác phẩm “Tình bạn” và Nguyễn Hải Trọng với tác phẩm “Hồn thiêng núi sông” đều đến từ Trường ĐH Văn hóa Nghệ Thuật Quân đội; Phạm Thế Chung và Nguyễn Duy Thành với tác phẩm “Vô” và Phạm Minh Tuấn với tác phẩm “Cân bằng” đến từ Trường Trung cấp Múa TP.HCM; Mai Minh Anh Khoa với tác phẩm “Phía sau-Black” đến từ công ty Múa Unicom Dance; Cao Duy Tùng với tác phẩm “Kỳ đạo” đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; Trần Quốc Bảo và Nguyễn Thị Huyền Trang với tác phẩm “Mộ lá” đến từ Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đăk Nông. Ngoài ra, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam đã trao tặng bằng khen, kèm theo tiền thưởng là 5 triệu đồng cho thí sinh đạt danh hiệu như: biên đạo trẻ nhất cuộc thi; diễn viên biểu diễn xuất sắc nhất; tác phẩm có sáng tạo trong việc khai thác giá trị văn hóa vùng miền… |
Gia Thanh