• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nền kinh tế Trung Đông-Bắc Phi có tín hiệu phục hồi trong năm nay

Thế giới 01/11/2022 15:52

(Tổ Quốc) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 31/10 cho biết các nền kinh tế ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi đã có tín hiệu phục hồi trong năm nay nhưng lạm phát hai con số dự kiến sẽ làm chậm tăng trưởng vào năm 2023.

Theo hãng AP, IMF đã dự báo mức tăng trưởng GDP đạt 5% trong năm 2022 đối với các quốc gia trong khu vực này. Với những quốc gia xuất khẩu dầu, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 5,2%, chủ yếu là do giá dầu cao, đã bù đắp cho tác động lớn từ giá lương thực cao.

Các nền kinh tế ở Trung Đông và Bắc Phi có tín hiệu phục hồi trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: NNN

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2023, một phần bởi lạm phát đã đẩy giá thực phẩm và hàng hóa lên quá cao. Và diễn biến này được đánh giá là vẫn nghiêm trọng đối với Lebanon không ổn định về chính trị hay Syria còn xung đột. Trước tình trạng này, IMF đã cho biết sẽ không có dự báo triển vọng kinh tế cho cả hai nước nêu trên.

Giá năng lượng cao hơn đã mang lại sự ổn định cho những quốc gia sản xuất dầu, chẳng hạn như Saudi Arabia, dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt tới 7,6% trong năm nay. Các nhà xuất khẩu dầu cũng được hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại do căng thẳng leo thang ở Ukraine gây ra và một số quốc gia châu Âu đang tìm cách chuyển sang năng lượng sạch thay vì khí đốt của Nga.

Nhìn chung, IMF dự kiến rằng trong 5 năm tới, mức độ dòng vốn bổ sung và dự trữ tài chính đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông sẽ đạt hơn 1 nghìn tỷ USD. Các dòng tài chính bổ sung được đánh giá đóng vai trò rất quan trọng đối với các nước Ả rập vùng Vịnh khi họ đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế, tránh sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khi thế giới tìm kiếm công nghệ xanh cho ngành điện. Tăng trưởng trong khu vực này năm tới được dự báo ở mức 3,6% do diễn biến toàn cầu ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là căng thẳng ở Ukraine đã tác động đến giá hàng hóa, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Đối với các nước xuất khẩu dầu, tăng trưởng có thể chậm lại ở mức 3,5% do giá dầu giảm mạnh, nhu cầu toàn cầu cũng chậm lại và sản lượng của OPEC giảm.

"Chúng tôi dự báo triển vọng kinh tế vào năm tới sẽ ít thay đổi hơn so với năm nay. Tăng trưởng kinh tế cũng có tín hiệu giảm hơn đối với cả các nước xuất khẩu dầu và các nước nhập khẩu dầu", ông Jihad Azour, Giám đốc phụ trách Trung Đông và Trung Á của IMF nhấn mạnh.

Những tác động từ lạm phát

Trong khi đó, lạm phát kinh tế dự kiến sẽ vẫn ở mức hai con số trong khu vực này vào năm 2023, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp chứng kiến tình trạng tương tự. Đối với Sudan, tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi lạm phát giá tiêu dùng đã vượt qua hai con số và dự báo sẽ chạm mức 154,9% trong năm nay.

"Lạm phát gây ra hiệu ứng ngược lại. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp lạm phát ở mức hai con số, đặc biệt là đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ. Chúng tôi dự báo khả năng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới do giá thực phẩm và hàng hóa cao. IMF cũng cảnh báo giá lương thực và phân bón cao có thể tạo ra những thách thức nghiêm trọng về an ninh lương thực đối với các nước thu nhập thấp. Diễn biến này cũng sẽ gây ra bất ổn xã hội", ông Jihad Azour nói.

Báo cáo của IMF cũng nêu rõ giá lương thực cao hơn mức trung bình trong năm 2021 và dự kiến sẽ tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2022. Và mặc dù giá lúa mì thấp hơn so với trước thời điểm căng thẳng leo thang ở Ukraine nhưng lại cao hơn khoảng 80% so với mức trung bình trong năm 2019. Hiện tại, chuỗi cung ứng các mặt hàng xuất khẩu như dầu hướng dương, lúa mạch và lúa mì trên khắp thế giới đang bị gián đoạn do căng thẳng Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng cảnh báo về nạn đói trên toàn cầu đang tiếp tục gia tăng.

Ai Cập – quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, hầu hết là từ Nga và Ukraine - hiện đang bị ảnh hưởng từ nguồn cung này. Nền kinh tế Ai Cập đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và căng thẳng Ukraine. Tuần trước, IMF đã tiến tới một thỏa thuận sơ bộ với Ai Cập, mở đường cho quốc gia Ả rập vốn dĩ đang gặp khó khăn về kinh tế có khả năng tiếp cận khoản vay 3 tỷ USD.

IMF cho biết một trong những ưu tiên cấp bách hiện nay là giảm khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Để làm được như vậy, ông Jihad Azour nhận định IMF phải kiểm soát lạm phát, chuyển hướng chi tiêu xã hội từ không có mục tiêu sang định hướng có mục tiêu hơn và giảm đi các chương trình trợ cấp lương thực hay năng lượng. Bên cạnh đó, có thể tạo thêm nhiều việc làm hơn, đặc biệt là cho những người ở tầng lớp trung lưu./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ