• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Căng thẳng” với Thổ về Afrin, Mỹ ngả sang Iran và Syria

Thế giới 20/03/2018 16:37

(Tổ Quốc) - Mỹ ngày 19/3 đã bày tỏ lập trường tương đồng với Iran và Syria – hai quốc gia thường bị Washington chỉ trích - về việc phản đối chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin.

Mỹ ngày 19/3 đã bày tỏ lập trường tương đồng với Iran và Syria – hai quốc gia thường bị Washington chỉ trích - về việc phản đối chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin.

Washington lâu nay vẫn đánh giá cao Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò là một thành viên trong liên minh NATO và là một đối tác trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công dồn dập của Ankara nhằm vào Afrin – thành phố vốn do người Kurd kiểm soát tại tây bắc Syria đã làm rung chuyển liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Người Kurd Syria đã chuyển trọng tâm sang việc bảo vệ các thành trì của họ thay vì cùng với Mỹ đánh bật tàn dư còn lại của IS trong khu vực.

“Lung lay” liên minh chống IS

Khi Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm nổi dậy Quân đội Syria tự do (FSA) – phần lớn là các tay súng Arab Sunni – chiếm quyền kiểm soát thành phố Afrin vào hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" trước các báo cáo về di tản dân thường và cướp bóc trên quy mô lớn.

FSA tiến vào Afrin ngày 18/3. (Nguồn: AFP)

Trong một tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm thứ hai, Hoa Kỳ thừa nhận "mối quan ngại chính đáng về an ninh". Tuy nhiên, Washington cũng nói rằng họ vẫn cam kết đánh bại ISIS thông qua Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – nhóm nổi dậy phần lớn do người Kurd kiểm soát.

Ankara hiện coi người Kurd Syria là một nhánh của Đảng Lao động Kurdishtan (PKK) – lâu nay đã dấy lên phong trào tự trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

"Xung đột ở phía tây Syria trong hai tháng vừa qua, kể cả ở Afrin, đã làm phân tán chiến dịch đánh bại IS và tạo cơ hội cho IS bắt đầu phục hồi lực lượng ở một số khu vực. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng và đang gia tăng. Chúng tôi kêu gọi các bên vẫn tập trung vào mối đe dọa nghiêm trọng này từ ISIS", tuyên bố trên cho hay.

Khi các tay súng người Kurd trong SDF rời liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tại đông Syria , họ bắt đầu bắt tay với lực lượng chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thoả thuận này đã đẩy Washington rơi vào một tình thế khó xử khi đồng minh hàng đầu của Mỹ (người Kurd) trên chiến trường lại bắt tay với một chính phủ mà các cường quốc phương Tây muốn lật đổ kể từ năm 2011.

Mỹ đã khởi đầu sự can dự vào chiến trường Syria bằng cách trợ giúp, huấn luyện và trang bị cho những người nổi dậy chống Assad, bao gồm FSA hiện đang liên kết với Ankara. Trong bối cảnh, phe đối lập Syria ngày càng trở nên cực đoan và Nga, cùng với đồng minh Iran tham chiến ủng hộ Assad từ năm 2015, Mỹ đã chuyển sang hỗ trợ cho các chiến binh người Kurd.

Syria và Iran thực tế về sức mạnh người Kurd

Không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ đối tác của họ với Thổ Nhĩ Kỳ, cả Hoa Kỳ lẫn Nga đều không tham gia trực tiếp vào hoạt động Afrin. Syria và Iran cũng có mối quan hệ phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ - được các nước này coi là một đối thủ cạnh tranh trong khu vực - và người Kurd - đã tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn ở cả ba nước này cũng như tại Iraq.

Trong khi chính quyền Syria cũng coi Các Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là lực lượng khủng bố, ông Assad vẫn nhìn nhận cộng đồng người Kurd đông đảo này là một đối tác tiềm năng chống lại các nhóm nổi dậy và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Syria lâu nay luôn tuyên bố rằng Washington và Ankara là lực lượng xâm lược nước này. Trong một bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/3, Bộ Ngoại giao Syria lên án sự chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, cũng như các báo cáo về thương vong, trộm cắp và cưỡng bức di dời dân thường.

"Những hành động này và sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đe doạ cuộc sống của thường dân và sự toàn vẹn lãnh thổ của người Syria mà còn kéo dài cuộc chiến chống lại Syria nhằm phục vụ cho hoạt động khủng bố và những người ủng hộ họ - điều đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực và trên thế giới", Hãng tin Arab Syria dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Syria cho hay.

Khi quân đội chính phủ Syria liên tiếp giành nhiều thắng lợi, đảo ngược thế trận trước lực lượng nổi dậy vào đầu cuộc chiến, thì lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và phần lớn là người Shiite ngày càng có nhiều ảnh hưởng tại nước này. Giống như Nga, Iran đã cố gắng cân bằng sự hỗ trợ cho chính quyền Assad với việc duy trì quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai cường quốc Trung Đông này (Iran, Thổ Nhĩ Kỳ) có thể bất đồng về tương lai chính trị của Syria, nhưng họ đều bị Saudi Arabia coi là đối thủ, và cũng đã cùng hợp tác trong tiến trình hòa bình Syria do Nga lãnh đạo – đặt cơ sở hòa đàm tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Khoảng một tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và FSA phát động chiến dịch nhằm vào Afrin, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng ông hiểu lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối việc Mỹ hậu thuẫn người Kurd gần biên giới, nhưng khẳng định rằng, "việc xâm nhập vào lãnh thổ nước khác không phải là cách để giải quyết vấn đề ", theo trang tin bán chính thức Press TV của Iran.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ