• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo 2019 tiếp nối kỷ lục bốn năm nóng nhất trong lịch sử từng ghi nhận

Thế giới 07/02/2019 11:15

(Tổ Quốc) - Bốn năm vừa qua nhiệt độ Trái đất đạt mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi đo lường nhiệt độ ra đời.

Hôm thứ Tư (6/2), một tài liệu phân tích của Liên Hợp Quốc chỉ ra, bốn năm gần đây nhiệt độ trái đất đã đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu nhiệt độ toàn cầu bắt đầu được ghi nhận. Đây được đánh giá là một "dấu hiệu rõ ràng rằng biến đổi khí hậu trong dài hạn vẫn đang tiếp diễn".

Cảnh báo 2019 tiếp nối kỷ lục bốn năm nóng nhất trong lịch sử từng ghi nhận - Ảnh 1.

Người dân chơi bóng trên bãi biển ở Rio de Janeiro, Brazil (ảnh: SCMP)

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Đo lường Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, năm 2018 cũng là năm nóng thứ tư trong lịch sử từng thống kê. Tổ chức này nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng lên.

Phân tích công bố ngày 6/2 đã tổng hợp thêm thông tin của những tuần cuối cùng trong năm 2018 vào các biểu đồ khí hậu. 2016 vẫn là năm nóng nhất do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino có cường độ cao. Báo cáo cũng cảnh báo, 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều diễn ra trong vòng 22 năm trở lại đây.

"Xu thế nhiệt độ về lâu dài quan trọng hơn rất nhiều so với ghi nhận từng năm riêng biệt", Tổng thư ký Tổ chức Đo lường Thế giới Petteri Taalas nói. "Nhiệt độ ấm lên trong bốn năm qua là bất thường, trên cả mặt đất và ngoài đại dương".

Cảnh báo 2019 tiếp nối kỷ lục bốn năm nóng nhất trong lịch sử từng ghi nhận - Ảnh 2.

Hai người dân tắm mát tại Rio de Janeiro. Tháng Một vừa qua có nhiệt độ cao mức kỷ lục trong lịch sử Brazil (ảnh: SCMP)

Tổ chức Đo lường Thế giới cho hay, nhiệt độ tăng cao cũng góp phần dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão nhiệt đới, hạn hán và lụt lội…

"Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan giống với những gì chúng tôi dự đoán từ việc biến đổi khí hậu. Đó là thực tế mà chúng ta phải đối mặt", ông Taalas cảnh báo.

Tổ chức của Liên Hợp Quốc cũng dự đoán, năm 2019 sẽ tiếp nối xu thế của năm 2018, với Australia vừa trải qua tháng Một nóng nhất trong lịch sử. Như vậy, hiện tượng thời tiết nóng sẽ trở nên "thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu".

Trong khi một phần nước Mỹ vừa phải đối mặt một đợt rét kỷ lục, với nhiệt độ xuống tới -53 độ C ở một số địa phương, trên Twitter, Tổng thống Donald Trump tỏ ra nghi ngờ những dữ liệu thống kê liên quan tới biến đổi khí hậu.

"Điều quái gì đang xảy ra với hiện tượng Trái đất ấm lên? Hãy quay trở lại nhanh lên, chúng tôi cần điều đó", ông Trump viết.

Theo ông Taalas, thời tiết lạnh giá hoàn toàn xuất phát từ những ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, mà con người chính là thủ phạm gây ra; trong đó bao gồm cả việc hai cực Trái đất đang ấm lên.

"Những thứ xảy ra ở hai cực không chỉ dừng lại ở hai cực mà ảnh hưởng tới thời tiết và điều kiện khí hậu ở các vĩ độ thấp hơn, nơi các hàng trăm triệu người đang sinh sống", ông giải thích.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ