• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu: “nạn nhân” trong chiến lược xoay trục hướng Trung của Nga?

Thế giới 09/01/2018 15:38

(Tổ Quốc) - Việc Nga tăng cường xuất khẩu dầu và khí gas sang Trung Quốc liệu có đặt các quốc gia châu Âu trước thách thức mới?

Theo một chuyên gia tư vấn chia sẻ trên Bloomberg, việc Nga gia tăng xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc có thể sẽ khiến các nhà nhập khẩu dầu mỏ châu Âu phải đối mặt với những hóa đơn “nặng đô” hơn. Chuyên gia này cũng đặc biệt đề cập tới giai đoạn cuối trong kế hoạch xoay trục hướng Đông của Nga: đưa vào hoạt động hệ thống đường ống dẫn mở rộng Đông Siberia – Thái Bình Dương, có thể giúp nâng gấp đôi lượng cung cấp dầu thô Ural của Nga cho Trung Quốc, đạt mức 30 triệu tấn/năm.

Bloomberg dẫn nguồn một báo cáo của hãng tư vấn dầu mỏ và khí gas FGE cho biết, Nga sẽ bắt đầu tăng mức cung dầu Ural “hướng đông” ngay khi đường ống dẫn chính thức hoạt động, thêm 160.000 thùng/ngày. Cũng theo FGE, mức độ này có thể tăng lên nữa, tới 200.000 thùng/ngày.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít dầu hơn cho châu Âu. Thị trường các quốc gia châu Âu hiện đang là khách hàng “số 1” của Nga. Nó cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của chính sách xoay trục châu Á của Moscow trong thời điểm châu Âu vẫn đang tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga, sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014, cũng như những cáo buộc Nga liên quan tới cuộc xung đột nội bộ của Ukraine.

Theo các con số thống kê của Tổ chức Thông tin Năng lượng (EIA), năm 2016, Nga xuất khẩu khoảng 3,7 triệu thùng dầu mỗi ngày sang các quốc gia châu Âu; trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc còn chưa đến 1 triệu thùng/ngày.

Tính theo phần trăm, châu Âu chiếm đến 70% tỷ trọng xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm 2016, còn Trung Quốc chiếm 18%. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi rất nhanh chóng.

 Xuất khẩu dầu thô và khí ngưng của Nga sang Trung Quốc (giai đoạn 2002 - 2017) (đơn vị: nghìn thùng/ngày)

Bảng biểu phía trên đây chứng tỏ, số lượng dầu Nga xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2014 đang tăng trưởng khá ổn định: Tháng 11 năm ngoái, Nga cung cấp 1,3 triệu thùng dầu/ngày cho Trung Quốc. Những tín hiệu mới nhất cho thấy, con số này gần như chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Tuy nhiên, các khách hàng châu Âu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp chính xác.

Dầu thô Ural hiện đang được giảm giá, ít hơn khoảng 4$ so với dầu Brent biển Bắc. Trong khi đó, mức giảm giá tham chiếu cho loại dầu WTI (một loại dầu thô nhẹ và ngọt hơn so với dầu Brent, và có xuất xứ từ Texas, Mỹ) trên thị trường quốc tế lên tới 6$ mỗi thùng. Nói cách khác, việc Nga chuyển trọng tâm cung cấp dầu từ châu Âu sang Trung Quốc, có thể đem lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ Mỹ, chừng nào họ có thể giữ cho chi phí vận chuyển dầu ở mức đủ thấp. Và nếu điều  này thực sự xảy ra, châu Âu có lẽ sẽ “biết ơn” sự chuyển hướng này của Nga.

Nếu tính đến dài hạn, mọi thứ còn trở nên không chắc chắn hơn. Rõ ràng, Nga đã và đang đặt ưu tiên lên mối quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh việc mở rộng hệ thống đường ống Đông Siberia – Thái Bình Dương, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống dẫn khí gas mang tên Năng lượng Siberia – dự định chính thức hoạt động vào năm 2019. Với chiều dài 2.500km, dự kiến đường ống Năng lượng Siberia sẽ cung cấp khoảng 1,3 nghìn tỷ foot khối (1 foot khối tương đương khoảng 28,3 lít) khí gas sang Trung Quốc mỗi năm.

Trung Quốc hiện đang là quốc gia có lượng tiêu thụ khí gas tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Nhu cầu của quốc gia châu Á này cũng được dự đoán là sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong những thập kỷ tới – trở thành nước tiêu thụ gas nhiều thứ hai trên thế giới vào năm 2040, khi nền kinh tế không còn sử dụng than làm nguồn nhiên liệu chính nữa.

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao đã dẫn tới tình trạng khan hiếm tại nhiều vùng của Trung Quốc. Một bản báo cáo gần đây của tờ Eurasia Daily nhận định, đường ống gas Năng lượng Siberia sẽ trở thành một yếu tố quan trọng bậc nhất cho việc khắc phục tình trạng thiếu thốn nhiên liệu tại Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, liệu điều này có làm giảm bớt lượng khí gas dành cho châu Âu? Irina Slav, chuyên gia của công ty tư vấn LLC đánh giá, cho dù có cả đường ống Năng lượng Siberia, gần như chắc chắn Gazprom vẫn không thể chiếm nhiều hơn tỷ lệ 30% thị trường châu Âu. Ngoài ra, dự trữ gas hiện nay của thế giới có lẽ vẫn có đủ cho tất cả mọi người trong những năm tới. Điều có thể xảy ra là, trong tương lai Trung Quốc sẽ vượt qua châu Âu để trở thành nước nhập khẩu khí gas từ Nga lớn nhất, đặc biệt là khi mối quan hệ hiện đang căng thẳng giữa Nga và châu Âu không sớm được cải thiện.

(Theo Oilprice)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ