• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cần phải bứt phá ra khỏi những gì đang làm

Du lịch 11/10/2018 15:13

(Tổ Quốc) - Chiến lược, giống như một cái gậy, để người đi đường có thể bám chắc lấy nó và đi thật xa..

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cần phải bứt phá ra khỏi những gì đang làm - Ảnh 1.

Hội thảo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh Vi Phong

Ngày 10/10, tại Hà Nội Tổng cục Du lịch Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Hội thảo này được tổ chức với mục đích lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch góp ý với báo cáo tóm tắt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Chiến lược du lịch cần phải có sự bứt phá

Đa số các đại biểu đều cho rằng báo cáo tóm tắt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" mà Tổng cục Du lịch và Viện nghiên cứu phát triển Du lịch chuẩn bị khá đầy đủ, đã chỉ ra được các mục tiêu cần phấn đấu...

Tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã có những phát biểu, đóng góp tâm huyết với ngành du lịch nói chung và chiến lược nói riêng. Theo PGS. TS Phạm Trung Lương – nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng, hiện nay chúng ta đang quá tập trung vào số lượng mà quên đi mặt chất lượng. Số lượng khách du lịch tăng nhưng không đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế và lợi ích kinh tế thu về. Vì thế, theo PGS. TS Phạm Trung Lương, trong chiến lược này, chúng ta cần đặt mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới là đẳng cấp và thông minh. Đẳng cấp là sự chuyên nghiệp trong dịch vụ, sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch chất lượng…Còn thông minh là sự tiện ích mà du khách được trải nghiệm và sử dụng trong toàn bộ quá trình du lịch, đó là sự ứng dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0…

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT – Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa giao thông vận tải và du lịch. Muốn đạt được những mục tiêu như chiến lược đặt ra, thì thời gian tới ngành giao thông vận tải và du lịch cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với định hướng phát triển ngành du lịch.

Đại diện Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho rằng, chiến lược lần này cần phải làm sao để các bộ, ngành liên quan thực sự nhập cuộc, cùng với ngành du lịch, chứ nếu chỉ mình ngành du lịch có chiến lược, kế hoạch, còn các ngành khách "đứng ngoài" thì du lịch không thể làm được.

Phải đổi mới tư duy

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại diện của Amanoi nêu quan điểm, chiến lược phát triển du lịch cần nêu bật được tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch. Lượng khách du lịch tăng ồ ạt cũng đồng nghĩa với sức ép gánh nặng lên môi trường. Du lịch Việt Nam có tiềm năng cùng lợi thế, nhưng nếu chúng ta không coi trọng việc bảo vệ môi trường thì sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch. "Điều này cũng giống như một nàng công chúa ngủ trong rừng. Nàng công chúa chỉ thu hút được chàng hoàng tử khi cô thật xinh đẹp, cuốn hút, còn nếu cô nhếch nhác, bẩn thỉu thì không chàng hoàng tử nào đến cả", ông Trương Trọng Nghĩa so sánh.

“Chúng ta cứ nhìn vào ngân sách, chờ vào ngân sách thì khó mà làm được”.

TS. Trịnh Xuân Dũng

TS. Trịnh Xuân Dũng, nguyên phó chánh văn phòng Tổng cục Du lịch, đánh giá và ghi nhận sự cố gắng của Viện nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch khi đã chuẩn bị bản báo cáo tóm tắt của "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Nhưng, theo TS. Trịnh Xuân Dũng, chiến lược này vẫn theo tư duy cũ, chưa có sự đổi mới về tư duy, chưa thực sự bứt phá ra khỏi những gì chúng ta đã và đang làm. "Chúng ta cứ nhìn vào ngân sách, chờ vào ngân sách thì khó mà làm được". Phải làm sao thu hút và lôi kéo được các nhà đầu tư, các doanh nhân vào cuộc, cần phải xã hội hóa… TS Trịnh Xuân Dũng nói.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cần phải bứt phá ra khỏi những gì đang làm - Ảnh 4.

TS. Trịnh Xuân Dũng phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Đại diện Sở Du lịch Ninh Bình ví von rằng, chiến lược phát triển giống như cây gậy, để người đi đường có thể bám chắc lấy nó và đi thật xa…Các mục tiêu chúng ta đặt ra lớn, nhưng để thực hiện được các mục tiêu này thì phải làm như thế nào? Đó là điều mà chúng ta cần phải giải quyết và vạch ra cụ thể trong chiến lược.

PGS. TS Phạm Trung Lương cũng cho rằng quan điểm chiến lược mà báo cáo tóm tắt đưa ra chưa thực sự phù hợp và xác đáng. Cần phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không thể phát triển ồ ạt…Bởi phát triển ồ ạt sẽ để lại nhiều hệ lụy sau này về môi trường, về phát triển bền vững.

"Chúng ta cần tham khảo và học hỏi xem các nước họ đang làm như thế nào, họ khai thác, phát triển du lịch ra sao để tham khảo và điều chỉnh về chiến lược thì mới có thể có được hướng đi đúng đắn cho ngành du lịch Việt Nam", PGS. TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh./.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ