• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến thắng ông Erdogan: “Nguội lạnh” của Mỹ giữa “nồng nhiệt” từ phía Nga

Thế giới 27/06/2018 16:00

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia nhận định, chiến thắng của ông Erdogan trong bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ đón nhận phản ứng lạnh nhạt của Mỹ nhưng lại là sự hồ hởi của Nga.  

Sự lạnh lùng từ phía Washington

Các chuyên gia cho rằng, Mỹ có phản ứng lạnh lùng sau chiến thắng của ông Erdogan trong bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là đóng băng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới?

Tổng thống Putin, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump

Sau chiến thắng của ông Erdogan, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 25/6 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những biện pháp nhằm củng cố hơn nữa nền dân chủ.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào hoan nghênh việc Tổng thống Erdogan tái đắc cử ngay từ vòng đầu tiên của cuộc bầu cử.

Ông Erdogan đang chứng minh rằng quyền lực vẫn còn mạnh. Theo Hiến pháp mới, có hiệu lực kể từ sau cuộc bầu cử ngày 24/6, chức danh Thủ tướng sẽ bị xoá bỏ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thống và Bộ trưởng trong nội các. Bởi điều này, ông Erdogan sẽ thành một “siêu” Tổng thống cả về quyền lực và thời gian tại vị.

Vì vậy, mặc dù phe đối lập có thu được ít nhiều tín nhiệm nhưng sẽ có rất ít khoảng trống hứa hẹn để có thể tạo nên đột phá. Xét về khía cạnh trung hạn, ông Erdogan dường như cũng không có ý định thỏa hiệp về các vấn đề nhằm giảm căng thẳng với NATO hay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lên đỉnh điểm xung quanh các vấn đề liên quan đến các hoạt động Mỹ hỗ trợ các tay súng người Kurd tại Syria. Ankara cũng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 và các loại vũ khí chiến lược của Nga thời gian gần đây, càng khiến cho quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược trong NATO này thêm khủng hoảng.

Và đặc biệt, ông Erdogan cũng bày tỏ không có khả năng dựa vào Washington trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xung quanh vấn đề người Kurd.

Ông Soner Cagaptay, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington bày tỏ bi quan về quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nếu bạn nghĩ rằng chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ ít đề cập đến các vấn đề của người Kurd thì bạn sẽ phải ngạc nhiên về điều đó. Ankara liên tục phản đối Mỹ trong việc hỗ trợ lực lượng YPG thường xuyên và mạnh mẽ”, ông Soner Cagaptay cho biết đồng thời cảnh báo lập trường cứng rắn của ông Erdogan đối với vấn đề của nguời Kurd.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn cử tri đi bỏ phiếu trong bầu cử Tổng thống đều xem lực lượng người Kurd là khủng bố trong nhiều thập kỷ.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy Syria luôn xem YPG là kẻ thù tại phía Bắc Syria. Hiện tại, Ankara và Washington đang đàm phán đề giải quyết cuộc xung đột tại thị trấn Manbij.

Ông Kemal Kirisci  thuộc Viện Brookings cho biết, phe đối lập kêu gọi các quan hệ tốt hơn với châu Âu nhưng lại không hề gây ấn tượng với cử tri nhiều bằng câu chuyện của ông Erdogan về nỗ lực đối phó với phương Tây.

 Tuy nhiên, ông Kemal Kirisci cho biết, các thách thức chính của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực và Syria sẽ đến từ Nga và Iran. Syria là vấn đề phức tạp trong quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn có vấn đề khác trong thương vụ vũ khí. Là đồng minh đứng đầu NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản đối và thượng viện Mỹ cho rằng, thỏa thuận hạt nhân có thể gây ảnh hưởng cho thương vụ vũ khí F-35 mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành.

Nga Thổ nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ sau khi ông Erdogan tái đắc cử

Ngày 25/6, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định kết quả cuộc bầu cử chứng tỏ "quyền lực chính trị vĩ đại" cũng như sự ủng hộ to lớn đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trừ khi có bất kỳ điều gì thay đổi trong khu vực, sẽ không có bất kỳ điều gì khiến cho quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm”, Nghị sỹ Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachyov cho biết.

Quan hệ giữa Moscwo và Ankara vẫn duy trì tốt sau khi ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống. “Tôi tin tưởng rằng, ông Erdogan luôn theo đuổi chính sách của mình và không gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa các đồng mính NATO và lực lượng khác. Ngày nay quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức cao nhất và không có điều gì khiến quan hệ hai nước thay đổi”, ông  Kosachyov  viết trên facebook.

Việc tái đắc cử của ông Erdogan sẽ tiếp tục cho quan hệ hợp tác kỹ thuật và quân sự song phương.

“Trong khía cạnh này, các chỉ trích từ việc mua S-400 của Nga, ông Erdogan luôn có cách để giải quyết đúng đắn nhất. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Hy Lạp cũng là thành viên NATO và vẫn có thể mua hệ thống S-300 của Nga. Không ai phản đối điều này”, Thượng sỹ Nga cho biết.

Theo ông Kosachyov, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác đối phó với khủng bố và hợp tác cùng Iran trong hòa đàm Astana.

Các nhà phân tích đang đặt câu hỏi liệu chiến thắng của ông Erdogan có dẫn tới những thay đổi về tương quan mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga hay không trong bối cảnh các mối quan hệ này đang chi phối cục diện quân sự và chính trị tại một khu vực nhiều bất ổn như Trung Đông.

 

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ