• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chớp thời cơ vàng từ Mỹ: Nga “tung hoành” Trung Đông

Thế giới 16/08/2018 07:52

(Tổ Quốc) - Bốn thập kỷ sau khi Mỹ đã thành công phần lớn trong việc xây dựng ảnh hưởng tại những nơi Liên Xô rời đi tại Trung Đông, Nga đang tìm cách khôi phục lại vị thế này.

Bốn thập kỷ sau khi Mỹ đã thành công phần lớn trong việc xây dựng ảnh hưởng tại những nơi Liên Xô rời đi và trở thành thế lực dẫn đầu tại Trung Đông, Nga đang tìm cách khôi phục lại vị thế này.

Theo trang National Interest (NI), quá trình Moscow cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ tại đây đã bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama và đang tiếp tục gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn, Nga có thể sẽ sớm thay thế tầm ảnh hưởng của Washington.

Đồng minh do dự với Mỹ?

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga đang thể hiện trên khắp khu vực, từ Morocco đến Iran. Đây là một phần trong chiến lược bao quát của ông Vladimir Putin nhằm khôi phục lại vị thế của Nga như là một cường quốc. Đây cũng là kết quả của việc ngoại giao khéo léo kết hợp với sự sẵn sàng bán vũ khí và điện hạt nhân cho các đối tác có yêu cầu.

Các đồng minh của Hoa Kỳ tại Trung Đông ngày nay đang trở nên do dự trong việc tiếp tục đặt tất cả niềm tin chiến lược và an ninh của họ trong tay người Mỹ. Trong khi đều chào đón cách tiếp cận cứng rắn hơn của Tổng thống Trump, tất cả họ vẫn chưa thoát khỏi lo ngại về thoái nhượng của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama.

Hơn nữa, những quyết định chớp nhoáng của ông Trump đã kéo theo những nghi ngờ liên tục về sự tin cậy của Mỹ. Hiện tại, các đồng minh của Mỹ đang thực hiện chiến lược nước đôi.

Ai Cập, từng có quan hệ khá tốt đẹp với Mỹ, đã chuyển sang cải thiện đáng kể liên hệ với Nga. Một thỏa thuận cho bốn lò phản ứng hạt nhân của Nga đã được hoàn tất  vào năm 2017. Các mối quan hệ quân sự đã được khôi phục, bao gồm việc bán vài chục máy bay chiến đấu tiên tiến, trực thăng tấn công và tên lửa S-300, cùng với các cuộc diễn tập quân sự chung mới.

Trước đó, Ai Cập là một nền tảng cho ba trụ cột củng cố lẫn nhau trong  chính sách của Mỹ tại Trung Đông từ những năm 1970 cho đến nay: thành lập một lực lược Arap thân Mỹ, với Ai Cập và Saudi Arabia là trung tâm; hỗ trợ ở mức vừa để đối phó với những quốc gia cứng rắn như Iraq, Iran và Libya và thúc đẩy hòa bình Ả Rập-Israel - cũng với sự hỗ trợ ở mức vừa. Và một sự đột phá trong quan hệ Ai Cập-Nga hiện tại là một đòn nặng nề đối với Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, quan hệ đồng minh Mỹ-Saudi đã được xác định là vô cùng vững chắc, tuy nhiên, Saudi hiện nay đã có những tính toán của riêng mình. Vào năm 2017, Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud đã tiến hành chuyến thăm đầu tiên của một vị vua Saudi Arabia đến Nga. Một thỏa thuận đã được ký mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 và các tên lửa chống tăng. Một thỏa thuận hợp tác hạt nhân cũng đã được ký kết, và Nga hy vọng sẽ cung cấp ít nhất hai trong số 16 lò phản ứng đang được lên kế hoạch của Saudi. Nga và Saudi – đang chiếm khoảng 20% sản lượng dầu quốc tế - cũng đã phối hợp chính sách để điều chỉnh giá dầu toàn cầu.

Sự can thiệp quân sự ở mức hạn chế của Nga ở Syria, chỉ với hai phi đội máy bay chiến đấu, đã thành công đáng kể, bảo vệ được chính quyền Assad trong khi không thiệt hại quá lớn.

Nga đã trở thành một sức mạnh trọng yếu trong ván bài Trung Đông.

Nga đã trở thành thế lực chính tại Syria ngày nay, đảm bảo sự hiện diện lâu dài với hai căn cứ hải quân và không quân tại các khu vực chiến lược. Một quốc gia có tầm quan trọng rất ít đối với Mỹ, Syria đã trở thành tâm điểm của các vấn đề quan trọng nhất trong khu vực, bao gồm cuộc đối đầu giữa người Sunni-Shiite, cuộc chiến chống ISIS, sự gia tăng hiện diện của Iran và xung đột Iran-Israel. Vị thế của Nga tại Syria mang đến cho Moscow phạm vi ảnh hưởng đến tất cả những vấn đề trên.

Quân sự Nga hấp dẫn Trung Đông

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến Tehran thậm chí còn gần gũi hơn với Nga, đồng minh lâu năm của họ. Iran đang dựa vào Nga để giúp giảm bớt thiệt hại từ trừng phạt của Mỹ và ngăn chặn bất kỳ khả năng hành động quân sự nào chống lại họ. Nga đã cung cấp cho Iran tên lửa S-300, và bán các máy bay chiến đấu, xe tăng và trọng pháo khi các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an nhằm vào Tehran được dỡ bỏ. Nga cũng cung cấp cho Iran lò phản ứng hạt nhân, và có thể bán thêm nữa.

Thổ Nhĩ Kỳ, trong nhiều thập kỷ, là một đồng minh NATO thân thiết của Mỹ tại Trung Đông, nhưng dường như đang có những biến chuyển mạnh mẽ hướng tới Moscow, bao gồm việc mua các hệ thống S-400.

Morocco, Bahrain và Qatar cũng quan tâm đến S-400. Nga đã ký một thỏa thuận vũ khí lớn với UAE và đang tìm hiểu khả năng tiếp cận các căn cứ hải quân tại Libya. Một thỏa thuận hợp tác hạt nhân cũng được Nga ký kết với Tunisia.

Nga cũng đã cung cấp cho Lebanon một thỏa thuận vũ khí lớn và thể hiện sự quan tâm tới các căn cứ không quân và hải quân ở đó. Nga đã hợp tác chặt chẽ với lực lượng Hồi giáo Shiite Hezbollah của Lebanon trong cuộc chiến ở Syria, và Hezbollah giờ đây đã có vũ khí của Nga, có lẽ được cung cấp gián tiếp bởi Syria và/hoặc Iran.

Đồng thời, Nga cũng đã thành công trong việc phát triển mối quan hệ ngày càng gần gũi với Israel. Việc Mỹ giảm sự hiện diện tại Syria và việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã có ảnh hưởng thực tiễn khiến Nga trở thành một thế lực quan trọng đối với Israel. Triển vọng của một cuộc xung đột Israel - Iran/Hezbollah ở Syria, hoặc Israel - Iran về chương trình hạt nhân của nước này đều cho thấy vai trò đáng kể của Nga. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đến thăm ông Putin ở Moscow mười lần trong hai năm qua.

Ở Trung Đông, người Nga đã trở lại — và có thể sẽ ở lại lâu dài.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ