• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình giáo dục mới: Nỗi lo từ người học, người dạy đến cơ sở vật chất

Giáo dục 29/12/2018 09:56

(Tổ Quốc) - Nhiều ý kiến lo ngại rằng cơ sở vật chất tại nhiều điểm giáo dục chưa đáp ứng được so với yêu cầu của chương trình giáo dục mới.

Chiều ngày 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, trong buổi họp báo, có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của chương trình.

Giáo viên, học sinh có bắt kịp được chương trình?

Trước thắc mắc về công tác đào tạo giáo viên, một mảng quan trọng để truyền tải chương trình giáo dục mới, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo khẳng định, sẽ lấy công nghệ thông tin làm nền tảng chính trong công tác đào tạo giáo viên.

Chương trình giáo dục mới: Nỗi lo từ người học, người dạy đến cơ sở vật chất - Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh đứng trước lo ngại không bắt kịp chương trình mới (Ảnh: Tiền Phong)

"Học mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm. Lộ trình từ năm 2020 bắt đầu từ lớp 1, lớp 6 và lớp 9, chúng tôi chọn những giáo viên có kinh nghiệm và cốt cán nhất để dạy. Việc áp dụng công nghệ thông tin làm nền tảng trong việc đào tạo giáo viên. Tập huấn nhiều thông qua mạng có thể đảm bảo chất lượng. Cách đây 4 - 5 năm, các giáo viên đã được tham gia bồi dưỡng qua mạng. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn thông qua mạng cũng đã được thực hiện. Nên với sự hoàn thiện bồi dưỡng cùng với các thiết bị qua mạng thì có thể đáp ứng kịp thời"- ông Hoàng Minh Đức cho hay.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Cục Nhà giáo cũng cho rằng, nguồn giáo viên hiện tại không thiếu. Kể cả với những môn học mới thì đã có nguồn và lộ trình đào tạo. Các trường Sư phạm cũng đã có những ngành đào tạo mới đáp ứng được nhu cầu.

Một vấn đề khác cũng được nêu lên tại buổi họp báo cho rằng việc giảm tải cho học sinh trong chương trình mới sẽ khiến giáo viên trở nên quá tải khi phải thay đổi khá nhiều so với thói quen dạy nhiều năm nay.

Theo ông Hoàng Minh Đức, việc giảm tải không có nghĩa là học sinh học ít đi. Trong chương trình mới, học sinh sẽ được tham gia vào các hoạt động để hình thành năng lực thông qua sự hướng dẫn của giáo viên. Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện đề tài tính toán căn cơ về định mức làm việc của giáo viên trong chương trình mới.

Về phía học sinh, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ là khó khăn đối với các em học sinh đang học dở cấp bởi không được học theo chương trình mới ngay từ đầu. Về việc này, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục đổi mới cách dạy học, theo hướng phát triển năng lực của học sinh cho nên các em bắt nhịp được".

Cơ sở vật chất cũng là một vấn đề nan giải

Bên cạnh vấn đề về sự thay đổi với giáo viên, học sinh, giới truyền thông cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều cơ sở giáo dục không đáp ứng được về cơ sở vật chất. Đối với vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất khẳng định, đối với các cấp THCS và THPT hiện nay đã đáp ứng tương đối được yêu cầu về cơ sở vật chất. Chỉ duy nhất cấp Tiểu học gặp đôi chút khó khăn trong việc này.

Chương trình giáo dục mới: Nỗi lo từ người học, người dạy đến cơ sở vật chất - Ảnh 2.

Cơ sở vật chất là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi họp báo (Ảnh: Nam Nguyễn)

"Ngay từ 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng cao cơ sở vật chất của các trường tiểu học thông qua các dự án. Trong đợt đánh giá 2014, tỷ lệ kiên cố hóa cả nước mới đạt 71%, tiểu học 61,5%. Nhưng đến thời điểm này tỷ lệ kiên cố hóa đã đạt ở mức cả nước đạt là 85% , tiểu học là 72%"- ông Phạm Hùng Anh cho biết.

Song song với đó là vấn đề về sĩ số học sinh trong một lớp. Việc quá tải số lượng học sinh cũng là một trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không đáp ứng được cơ sở vật chất.

Theo ông Phạm Hùng Anh cho biết, theo báo cáo của các địa phương sĩ số hiện tại đang là 28,5 học sinh/lớp với cấp tiểu học. Trong đó Tây Bắc 23 học sinh/lớp, Tây Nguyên là 26 học sinh/lớp, Tây Nam Bộ là 27 học sinh/lớp. Tuy nhiên, số lượng này ở Hà Nội và TP.HCM đã vượt quá quy định.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về các tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất đối với các trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, cho phép nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục để di chuyển phòng hành chính, hiệu bộ lên tầng cao hơn. Thời gian tới, Bộ sẽ điều chỉnh lại về cơ sở vật chất, quy định diện tích cho một học sinh. Không phải lúc nào cũng 30, 35, 40 học sinh/lớp. Vì kích thước phòng học mỗi nơi một khác"- ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Anh cũng cho rằng, để thực hiện được việc đồng bộ chương trình mới cần có sự đồng này của địa phương.

NỔI BẬT TRANG CHỦ