• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lớp đông khó đảm bảo chất lượng

Giáo dục 06/05/2018 09:00

(Tổ Quốc) -Một tháng thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới đã kết thúc. Kết quả không chỉ toàn màu hồng, có những tiết học thành công cũng có những tiết học thất bại. Một trong số những nguyên nhân cản trở là do sĩ số lớp quá đông

Chương trình thực nghiệm đã được áp dụng với 48 trường ở địa bàn 6 tỉnh trên cả nước (18 trường tiểu học, 18 trường THCS và 12 trường THPT), tổng cộng 1482 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình.

Trường nông thôn thiếu trang thiết bị

Về những khó khăn còn gặp phải, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết một lớp học quá đông sẽ khó đổi mới phương pháp cho học sinh. Có một thực trạng là hiện nay trường tốt, lớp càng đông. Các trường ở thành phố thường gặp phải khó khăn này. Nhiều trường ở nông thôn tuy lớp không đông nhưng lại có khó khăn hơn về vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định trong chương trình mới không yêu cầu tới những trang thiết bị quá hiện đại, hay khác xa so với trang thiết bị trong chương trình hiện tại.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thầy Đặng Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Diêu, tỉnh Bình Định cho biết: Trường THPT Nguyễn Diêu, Bình Định là một trường nằm ở vùng nông thôn. Nhìn chung, chương trình đã được triển khai khá thành công. Tuy nhiên, vẫn còn gặp phải một số vướng mắc về trang thiết bị.

Thêm vào đó, thầy Đặng Tuấn Anh cũng chia sẻ rằng việc tăng cường tập huấn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy là vô cùng cần thiết.

Cô Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Qua quá trình thực nghiệm chương trình mới, thầy, cô của trường nhận thấy một số tiết học chỉ trong vòng 35 phút nhưng có khối lượng kiến thức quá tải so với học sinh".

Vấp phải một khó khăn khác, cô Ngô Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ rằng: Tại trường, tham gia chương trình thực nghiệm có 24 giáo viên giảng dạy ở 12 bộ môn với 3395 học sinh. Qua tiết dạy đầu tiên, một số giáo viên ban đầu than phiền rằng nội dung khó, tiết học chưa đạt hiệu quả mong đợi, có giáo viên còn giữ thói quen lồng ghép suy nghĩ cá nhân vào bài học, chưa nắm chắc chương trình. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn, thay đổi phương pháp dạy thì những tiết học đã đạt được thành công ngoài mong đợi.

Sĩ số đúng mức, hoạt động hiệu quả

Bên cạnh những khó khăn, chương trình cũng đã đạt được những thành công ban đầu. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Đối với lớp đông có thể áp dụng các phương pháp xử lý linh hoạt. Lớp đông học sinh nhưng diện tích nhỏ thì có thể tổ chức hoạt động nhóm đôi. Tuy nhiên, hoạt động nhóm đôi ý kiến sẽ không được đa chiều như khi hoạt động nhóm từ 3 học sinh trở lên. Trường THCS Minh Hà, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một ví dụ cho lớp có sĩ số đông. Phòng học của trường khá rộng nên thầy, cô đã chia học sinh ra thành 4 nhóm để hoạt động thảo luận, kết quả đem lại rất tích cực. Tuy nhiên, một lớp sĩ số không quá mức sẽ hoạt động hiệu quả hơn với một lớp nhiều học sinh.

Nhiều trường ở thành phố gặp phải khó khăn về việc sĩ số lớp đông. Ảnh Thùy Trang

Về kiến thức khối THPT, cô Ngô Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ cho rằng đã có sự giảm tải rõ nét về lý thuyết hàn lâm, tăng cường nội dung thực hành hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của các em học sinh. Ví dụ như ở môn Vật lý, học sinh được trao quyền chủ động tìm tòi, thảo luận, phát hiện chân lý. Thầy giáo làm nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ các em chốt lại kiến thức cần đạt.

Cô Liên nhận thấy, trong chương trình mới, năng lực của giáo viên đóng vai trò rất quan trọng, yêu cầu giáo viên phải nắm chắc nội dung, chuẩn bị chu đáo trước giờ lên lớp. Thực tế tại trường THPT Tây Hồ, chương trình mới được áp dụng bằng phương pháp rất mới mẻ, hứng thú, học sinh không hề có tâm lý sợ học. Việc tiếp thu kiến thức của các em học sinh tại đây được cô Liên nhận định là rất khả quan.

 

Thùy Trang

NỔI BẬT TRANG CHỦ