• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cơ hội bất ngờ từ "sân khấu" an ninh châu Âu tới thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai?

Thế giới 21/02/2019 08:08

(Tổ Quốc) - Ngay trước cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên sắp tới, các bên liên quan đã kịp tái khẳng định lập trường của mình về Triều Tiên tại Munich.

Những ngày này, một trong những tâm điểm của truyền thông quốc tế chính là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27-28/2. Trong khi mọi con mắt đang dồn về Hà Nội, Bình Nhưỡng và Washington, chỉ một vài ngày trước đó, một hội nghị thượng đỉnh khác đã được tiến hành tại Munich, Đức – với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo và nhân vật có uy tín hàng đầu thế giới: Hội nghị an ninh Munich lần thứ 55.

Nội dung hội nghị Munich năm nay nhấn mạnh vào châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Mặc dù vậy, bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ là một vấn đề hết nóng – và ít hay nhiều, người ta vẫn bắt gặp nó tại bất kỳ chủ đề quan trọng nào trong các chương trình nghị sự toàn cầu.

Cơ hội bất ngờ từ sân khấu an ninh châu Âu tới thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai? - Ảnh 1.

Một phiên họp toàn thể của hội nghị an ninh Munich 2019 (ảnh: getty)

Đối thoại giữa Mỹ và đồng minh về an ninh Triều Tiên

Bản thân hội nghị Munich và các sự kiện xung quanh cho phép Mỹ và đồng minh tái xác nhận lập trường của mình về an ninh Triều Tiên. Trước thềm hội nghị, một số quan chức cấp cao từ Seoul và Washington, cụ thể là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-hwa, cũng đã có mặt tại Ba Lan để thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong khi theo kế hoạch, thượng đỉnh Hà Nội sẽ diễn ra chỉ hai tuần sau thượng đỉnh Munich, thì ngay tại thành phố Đức, nhiều quốc gia liên quan tới an ninh Triều Tiên đều bày tỏ một sự thống nhất đáng lưu ý.

Với bài phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì tại Munich, đại diện Trung Quốc đã dành những lời khen ngợi cho thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng có cuộc gặp mặt bên lề. Tuy nhiên, cho dù phía Hàn Quốc thông báo vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ là một phần trong chương trình nghị sự, nhưng những căng thẳng trong quan hệ Nhật – Hàn gần đây có vẻ như đã làm lu mờ các thảo luận về an ninh.

Về phần Nga, hội nghị Munich được đánh giá là đem lại cho Moscow một cơ hội để "thả lỏng" chính sách đối ngoại của mình với Triều Tiên. Bên cạnh các trọng tâm chính như quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước tên lửa hay Nga có phải là mối đe dọa cho châu Âu hay không; Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có gặp gỡ với bà Kang Kyung-hwa để thảo luận về tình hình Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Lavrov còn hội đàm với cả Ngoại trưởng Taro Kono. Mặc dù hầu như không được đề cập tới trong các cuộc gặp gỡ cấp cao, nhưng an ninh Triều Tiên lại là một vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương Nga – Nhật.

Cơ hội bất ngờ từ sân khấu an ninh châu Âu tới thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Singapore năm ngoái (ảnh: getty)

Vấn đề an ninh Triều Tiên tại Munich

Bên cạnh các cuộc thảo luận trực tiếp, năm nay Hội nghị an ninh Munich cũng đề cập tới một số vấn đề chính của Triều Tiên và mối liên hệ của chúng với thế giới. Một số nước, bao gồm cả Hàn Quốc – đã ký kết "Tuyên bố các nguyên tắc", nhằm hướng giúp củng cố dân chủ trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bá quyền trên khắp thế giới.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lại tỏ ý không hài lòng với chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Ông Biden chỉ trích Mỹ đang rời xa khỏi các giá trị của mình. Trước đó, cựu quan chức cũng cáo buộc chính quyền Mỹ quá dễ dãi với Triều Tiên.

Quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cũng là một vấn đề được đề cập tới tại hội nghị Munich. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, INF hầu như không có nhiều ý nghĩa tới chương trình tên lửa của Triều Tiên. Trong một bài viết cho Viện Brookings trước thềm hội nghị, Frank Rose chỉ ra, INF nhấn mạnh vào việc duy trì quan hệ chiến lược giữa Nga và Mỹ, nó đồng nghĩa rằng, phạm vi ảnh hưởng của INF không bao gồm Trung Quốc hay Triều Tiên.

Liên quan tới năng lực ngoài không gian, Renata Dwan từ Viện Nghiên cứu giải giáp vũ trang của Liên Hợp Quốc nêu bật những khó khăn khi thực hiệp các hiệp ước kiểm soát sử dụng hai mục đích các công nghệ trong không gian. Nhận định của Dawn được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ bày tỏ những lo ngại liên quan tới năng lực không gian của Triều Tiên.

Mặc dù là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất giữa các nước, nhưng lệnh trừng phạt Triều Tiên lại hầu như không được nhắc tới nhiều tại Munich. Trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định, các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nên được giữ nguyên. Điều này đối lập với những lời kêu gọi từ các quốc gia khác như Nga rằng, sau khi Bình Nhưỡng dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đã đến lúc dỡ bỏ các cấm vận kinh tế cho đất nước châu Á.

Trang tin chuyên về Triều Tiên NK News nhận định, những gì đã được thảo luận tại Hội nghị Munich đã đem tới cơ hội cho các bên liên quan chủ chốt trong vấn đề an ninh Triều Tiên, được khẳng định lập trường của mình, cũng như làm rõ các chính sách và ưu tiên trước thềm cuộc gặp gỡ chính thức lần thứ hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy vậy, những ảnh hưởng của các hoạt động tại Munich tới thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ ở mức độ nào, thì vẫn là một câu hỏi đang chờ lời giải đáp.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ