• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cục Bản quyền: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cần làm đúng quy trình

Văn hoá 25/05/2017 16:27

(Tổ Quốc) - Ngày 25/5, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), VCPMC đã có buổi gặp và thông tin đến một số cơ quan báo chí về việc thu phí tác quyền tại các khách sạn.

Vừa qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gửi văn bản đến các khách sạn tại Đà Nẵng đề nghị Chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh có sử dụng âm nhạc thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh mà công luận cho rằng “phí chồng phí” và chưa hợp lý. Ngày 25/5, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), VCPMC đã có buổi gặp và thông tin đến một số cơ quan báo chí về vấn đề này.

Thu tiền bản quyền tại khách sạn đã thực hiện từ lâu

Cụ thể, văn bản của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam nêu Luật sở hữu trí tuệ quy định khi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ quyền tác giả phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Và đề nghị các chủ doanh nghiệp/ cơ sở kinh doanh khẩn trương thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền khi sử dụng quyền tác giả.

Văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh khách sạn thực hiện nộp tiền tác quyền của VCPMC

Đồng thời, Sở Du lịch Đà Nẵng gửi công văn đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đề nghị các cơ sở có sử dụng âm nhạc (thông qua các hình thức sử dụng âm nhạc bao gồm nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình và nhạc sống tại sảnh lễ tân, nhà hàng, karaoke, phòng ngủ của khách, dịch vụ hội nghị hội thảo...) liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền.

Đính kèm công văn của Sở Du lịch Đà Nẵng là bảng mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc. Trong đó, có quy định mức thu cụ thể đối với nhà hàng, cà phê, quầy rượu, phòng hội nghị, sảnh lễ tân, phòng karaoke... Đáng chú ý, trong đó có cả quy định mức nhuận bút cho phòng ngủ/phòng khách ở các cơ sở lưu trú có sử dụng ti vi là 25.000 đồng/phòng/năm.

VCPMC cung cấp thông tin cho báo chí

Theo ông Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC, việc thu tiền tác quyền tại các khách sạn đã được VCPMC thực hiện từ nhiều năm qua theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Bern tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam với các khách sạn 4-5 sao. Năm 2016, việc thu tiền tác quyền tại các khách sạn của Văn phòng VCPMC khu vực phía Nam đã đạt gần 3 tỉ đồng. Tại Đà Nẵng, do mới thực hiện nên một số chủ cơ sở kinh doanh chưa hiểu đúng về Luật.

Ông Phương cho biết: Việc thực hiện thu tiền bản quyền tác giả có 4 loại: quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát khi sử dụng tác phẩm của mình (trong lĩnh vực phát sóng kể cả sóng vô tuyến hay sóng vệ tinh), quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Ngoài ra còn các quyền liên quan khác như quyền được nhập khẩu, phân phối sản phẩm đến nước ngoài...

Lấy dẫn chứng về điều này, ông Phương cho biết: Ví dụ khi một ca khúc được in đĩa, áp dụng quyền sao chép tác phẩm để kinh doanh. Dù các chủ cửa hàng đã mua đĩa rồi nhưng lại nảy sinh môi trường kinh doanh mới mà chúng tôi thu phí là quyền truyền đạt tác phẩm và quyền biểu diễn.

Tương tự như vậy với khách sạn, việc thu phí khi các khách sạn mở ti vi là được quyền trong lĩnh vực phát sóng, quyền truyền đạt đến công chúng và quyền biểu diễn trước công chúng.

Tuy nhiên, câu hỏi được dư luận đặt ra, việc thực hiện các chương trình âm nhạc, đài truyền hình đã thực hiện tiền bản quyền, tại sao người xem lại phải trả tiền lần nữa?

“Những quyền thu này đều được ghi trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và công ước Bern, không phải là phí chồng phí, không phải là quyền này dẫm chân quyền khác”- ông Phó Đức Phương cho hay. 

 Ông Bùi Nguyên Hùng: Đề nghị VCPMC thực hiện đúng quy trình, đúng Luật, khi triển khai trên địa bàn mới phải triển khai đúng lộ trình, phù hợp

Ông Nguyễn Hoàng Giang- Giám đốc khu vực miền Bắc VCPMC bổ sung thêm: “Truyền hình đã và đang tiến hành thanh toán tiền bản quyền cho chúng tôi thì đó là họ thanh toán quyền phát sóng tác phẩm đến công chúng. Đối với việc thu tiền từ các ti vi ở khách sạn là thu tiền từ các vi ti có sử dụng vào mục đích kinh doanh chứ không phải là thu tiền của người xem là người dân bình thường”.

VCPMC phải thực hiện đúng quy trình, đúng luật

Đứng về góc độ quản lý nhà nước, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Cục bản quyền tác giả luôn theo sát các hoạt động của các trung tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục.

Theo ông Hùng, Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 26 quy định Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao; Điều 33 quy định các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

“Đề nghị VCPMC thực hiện đúng quy trình, đúng Luật, khi triển khai trên địa bàn mới phải triển khai đúng lộ trình, phù hợp. Phải có gặp gỡ, giải thích với các chủ cơ sở kinh doanh chứ không nên cứ gửi văn bản như vừa qua, gây hiểu lầm là “cửa trên””- ông Hùng đưa ra ý kiến.

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, trong quá trình thực hiện thu tiền bản quyền, ngoài nguyên tắc hội viên (chỉ thu với trường hợp các tác giả có yêu cầu, có hợp đồng ủy quyền cho VCPMC thu), nhưng cũng phải cân nhắc cho phù hợp thực tế, phải có sự thỏa thuận phù hợp với lợi ích của cả ba đối tượng: tác giả hưởng quyền, bên khai thác sử dụng và đặc biệt là không vì không thoả thuận được mà công chúng không được nghe nhạc./.

 

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ