• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cực hạn lo lắng NATO: Tồn vong trong hai thượng đỉnh tháng Bảy?

Thế giới 09/07/2018 14:47

(Tổ Quốc) - Đứng trước hai hội nghị thượng đỉnh tháng Bảy đều có sự tham dự của Tổng thống Mỹ, các nước NATO đang bề bộn lo lắng.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO cũng như cuộc gặp song phương chính thức giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp từ nước Nga Vladimir Putin, các nhà lãnh đạo NATO đang đối mặt với nỗi lo sợ về một rạn nứt nội khối, hoặc ít nhất là sự giảm sút trong những cam kết an ninh của Mỹ đối với liên minh này.  

Tháng trước, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu đừng tin tưởng 100% vào sự tồn tại của NATO. Một số nhà ngoại giao NATO băn khoăn liệu hai ông Trump và Putin có thành lập một liên minh mới có khả năng thay đổi toàn cầu hay không; trong khi những người khác lại đang cân nhắc một cơ cấu pháp lý dành cho NATO mà ở đó, Mỹ không còn giữ vai trò chủ chốt.  

Tomas Valasek, cựu Đại sứ Slovakia tại NATO cho biết, Mỹ không chỉ bất đồng với NATO mà có vẻ “còn sẵn sàng rời đi”. Nhận định này được đưa ra có lẽ là dựa vào những phát biểu và hành động của ông Trump trong những tuần gần đây. Hầu như không ai tin rằng, Washington sẽ thật sự ra khỏi NATO - ít nhất họ kỳ vọng các nghị sỹ đảng Cộng hòa sẽ giúp kiềm chế các quyết định bất ngờ của ông Trump. Tuy nhiên, vẫn không thể tránh được những lo ngại về sự lặp lại hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada tháng trước; chỉ là trong trường hợp này, những ảnh hưởng liên quan an ninh sẽ lập tức bị lộ ra.

“Ông Trump đến G7 và cư xử thô lỗ với mọi người là một chuyện”, một nhà ngoại giao cấp cao nói, “nhưng việc phá hủy NATO lại là một chuyện khác”. Còn một quan chức châu Âu bày tỏ sự e ngại, Tổng thống Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới.

 Mỹ sẽ "quay lưng" lại với NATO?

Trong khi đó, ông Trump có vẻ như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với châu Âu.

“Tôi sẽ nói với NATO, các anh sẽ phải trả chi phí của mình. Nước Mỹ sẽ không đảm nhận mọi thứ”, ông phát biểu tại Montana tuần trước. Tháng Sáu, Tổng thống Mỹ cũng đã gửi thư tới các đồng minh không thực hiện cam kết về ngân sách quốc phòng của NATO và cảnh báo rằng, Washington có thể sẽ “loại bỏ” họ nếu tình hình không thay đổi.

Một  mặt khẳng định, những hành động của ông Trump đã gây tổn hại tới an ninh NATO, mặt khác, các nước châu Âu lo lắng, Washington sẽ đi xa hơn với việc dừng tham gia tập trận chung tại Đông Âu - như một cách để tránh “khiêu khích” Moscow. “Ác mộng” chưa dừng  lại ở đây. Ông Trump thậm chí còn có thể bày tỏ thiện chí với Tổng thống Putin bằng cách công nhận tính hợp pháp của việc Nga sáp nhập Crimea.

“Đó là một vấn đề cơ bản. Nó sẽ hợp pháp hóa một loạt các hành động. Nếu bạn có sức mạnh quân sự, bạn có thể làm mọi thứ”, một nhà ngoại giao NATO nói. “Giờ đây tôi đang thực sự sợ hãi”.

Trong khi đó, giới ngoại giao Mỹ cho biết, trong quá trình chuẩn bị nội dung cho các thỏa thuận (nếu có) sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Helsinki, họ không nhận được bất kỳ chỉ thị nào đi ngược lại chính sách đối ngoại vốn có của nước Mỹ. Ít nhất trên giấy tờ, ông Trump sẽ lên án hành động của Nga tại Ukraine, tán thành các hoạt động phòng thủ chung và ký kết một loạt các kế hoạch mới mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại châu Âu.

“Đây là một hội nghị quan trọng và có nhiều ý nghĩa”, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison phát biểu vào tuần trước. “NATO sẽ thực hiện nhiều điều mà ngài Tổng thống yêu cầu họ làm”.

Tuy nhiên, có vẻ như Tổng thống Mỹ lại muốn một hướng đi khác biệt. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ, tại hội nghị thượng đỉnh G7 tháng trước, bất chấp sự phản đối dữ dội của các nhà lãnh đạo còn lại, ông Trump cho rằng, sự kiện sáp nhập Crimea nên được coi là hợp pháp bởi vì, hầu hết người dân trên bán đảo này đều nói tiếng Nga.

Nếu điều trên trở thành sự thật, đó sẽ là một “cú đánh” mạnh vào các chuẩn mực của phương Tây và NATO.

Châu Âu sẽ “đáp trả” như thế nào?

Một loạt các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo châu Âu về cách phản ứng trước những động thái của ông Trump và tương lai quan hệ NATO – Mỹ, đã liên tục diễn ra trong thời gian gần đây. Một ví dụ điển hình là việc EU đã tự tăng cường hợp tác an ninh của mình, nhằm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với NATO. Ngay cả khi, ông Trump không đặt bút ký vào tuyên bố chung của thượng đỉnh NATO vào 13/7 tới đây, các chuyên gia tin rằng, những sáng kiến quan trọng nhất của liên minh này, sẽ vẫn diễn ra do chúng đã được các Bộ trưởng Quốc phòng thông qua trước đó.   

Viễn cảnh đổ vỡ của NATO trở nên rõ ràng đến nỗi hồi tháng Sáu, chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng phải thừa nhận: “Không có gì đảm bảo là kết nối xuyên đại tây dương sẽ tồn tại vĩnh viễn. Tuy nhiên tôi tin tưởng, chúng tôi có thể gìn giữ nó”.

Một vài nhà ngoại giao cho biết, họ bị phân vân bởi khoảng cách giữa sự không hài lòng của ông Trump và cơ hội cho một chiến thắng chính trị dễ dàng dành cho Tổng thống Mỹ tại thượng đỉnh NATO – sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13/7 sắp tới. Các nhà lãnh đạo NATO được kỳ vọng sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng sau những sức ép từ Washington. Khi ông Trump nhậm chức, chỉ có 4 thành viên đáp ứng mức cam kết dành ít nhất 2% tổng GDP cho quốc phòng. Năm nay, có 8 quốc gia sẽ làm vậy, và 7 nước khác sẽ đạt mức cam kết vào năm 2024. Trước thềm thượng đỉnh, các thành viên NATO cũng đã đồng ý với các ưu tiên an ninh của Mỹ về chống khủng bố và khả năng sẵn sàng ứng chiến.

Chính quyền Trump còn đổ thêm tiền vào các hoạt động quân sự của Mỹ tại châu Âu, với ngân sách 6,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2019 – gấp đôi những gì ông Obama đã bỏ ra cho mục đích tương tự trong năm cuối nhiệm kỳ của mình. Theo một nhà ngoại giao NATO, để trả lời câu hỏi tại sao Mỹ nên là một phần của NATO, “điều duy nhất có thể làm yếu đi thông điệp chính là bất kỳ sự thiếu đoàn kết nào”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ