• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển

Văn hoá 29/04/2020 09:53

(Tổ Quốc) - Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Thanh Hóa đã khai thác tốt tiềm năng kinh tế của văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, thúc đẩy sáng tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: ĐBND

Đa dạng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh

Tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo ngành VHTTDL, các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định, duyệt nội dung các chương trình nghệ thuật, kịch bản, tiết mục, vở diễn, cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị nghệ thuật vi phạm quy chế biểu diễn và tổ chức hoạt động nghệ thuật.

Ngành VHTTDL chú trọng xây dựng các chương trình, tiết mục biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, lễ hội, xây dựng nông thôn mới và công chúng tại các địa phương trong, ngoài tỉnh, nổi bật như: các chương trình nghệ thuật với chủ đề "Xuân về trên quê Thanh", đón giao thừa Tết Nguyên đán tại Quảng trường Lam Sơn; tham gia Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2018 tại TP. Hồ Chí Minh, Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2018 tại Cao Bằng; Biểu diễn các chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa; Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Lê Hoàn; Tổ chức các hoạt động phục vụ Liên hoan sân khấu Tuồng, Dân ca toàn quốc năm 2019; Xây dựng kịch bản và tổ chức dàn dựng chương trình tham gia cuộc thi tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc năm 2019; Biểu diễn chương trình Ca múa nhạc – kịch nói thực hiện kế hoạch phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi huyện Mường Lát và huyện Quan Hóa…

Nâng cao chất lượng trong tổ chức các hoạt động triển lãm, hội chợ, quảng cáo

Hiện nay, Thanh Hóa đã tiến hành sáp nhập Trung tâm triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo về Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Đồng thời tích cực tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch… góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó phối hợp triển khai tổ chức đúc tượng đức vua Lê Hoàn tại đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân; Chỉnh sửa, nâng cao mẫu biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy quyết định phê duyệt; thống kê cơ sở dữ liệu lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Ưu tiên đầu tư phát triển loại hình du lịch văn hóa

Trong những năm qua, ngành VHTTDL triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch thuộc Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020; trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án "hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch". Xây dựng sổ tay, tập gấp tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; Lễ tôn vinh các Doanh nhân, Doanh nghiệp du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 2016 – 2017. Lượng khách, doanh thu du lịch tăng trưởng theo từng năm. Đặc biệt năm 2019 hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu về du lịch tăng cao, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng. Vì vậy, lượng khách năm 2019 đạt trên 9,6 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 14.526 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà nước về luật sở hữu trí tuệ, pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt gồm: Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020, Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2018 – 2025 trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch thực hiện chiến lược quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án nghiên cứu, phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch; quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận. Ngoài ra, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển hạ tầng, các sản phẩm văn hóa có lợi thế cạnh tranh thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển và hội nhập quốc tế./.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ