• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Đa diện” qua ánh mắt trẻ thơ trong sáng, tư lự đầy ám ảnh của Lê Thế Anh

19/07/2018 11:48

(Tổ Quốc) – Tại triển lãm “Đa diện” của nhóm 11 họa sĩ thế hệ 7X và 8X đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Thế Anh góp mặt với 4 tác phẩm là hình ảnh những khuôn mặt, ánh mắt trẻ thơ trong sáng, tư lự đầy ám ảnh mang lại góc nhìn nghệ thuật ấn tượng.

(Tổ Quốc) – Tại triển lãm “Đa diện” của nhóm 11 họa sĩ thế hệ 7X và 8X đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Thế Anh góp mặt với 4 tác phẩm là hình ảnh những khuôn mặt, ánh mắt trẻ thơ trong sáng, tư lự đầy ám ảnh mang lại góc nhìn nghệ thuật ấn tượng.

Họa sĩ trẻ Lê Thế Anh tại lễ khai mạc triển lãm.

Là một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ 7X, Lê Thế Anh đã có cho mình một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ với hàng trăm bức tranh, nổi bật là các tác phẩm hội họa về đề tài người dân tộc miền núi phía Bắc, mang lại góc nhìn nghệ thuật ấn tượng.

Ánh mắt trẻ thơ trong sáng, tư lự đầy ám ảnh trong tranh Lê Thế Anh.

Anh chia sẻ: Ánh mắt trẻ thơ vùng cao trong sáng, tư lự luôn là nỗi ám ảnh trong anh qua những chuyển thực tế lên vùng cao từ khi còn là một cậu sinh viên của 18 năm trước. Khí đó vùng cao trong mình là những bí mật cần khám phá và sự hấp dẫn của nó khiến mình năm nào cũng trở lại , diết dần thân thuộc như quê hương. Nhưng cũng vì thế, thấy vùng cao mỗi năm xơ xác đi mà buồn. Sự tác động tàn khốc của đô thị hóa khiến vẻ đẹp tự nhiên cứ hao hụt dần... Những chợ phiên, chợ tình, phong tục tập quán... đều biến thành sản phẩm du lịch. Vậy mà người dân tộc chẳng giầu lên, trẻ con vẫn chẳng thích đến trường, không thích học tiếng Kinh... Và đi đến bất cứ đâu, từ Đồng Văn, Mã Phì Lèng... hay Ý Tý, bạn cũng như tôi sẽ luôn gặp lũ trẻ... hồn nhiên, trong sáng nhưng nhếch nhác đến xót lòng. Chúng túm tụm lại chơi với nhau, trông coi nhau để bố mẹ lên nương hoặc vào trung tâm bán đồ lưu niệm mưu sinh kiếm sống. Chẳng ai nghĩ nhiều về tương lai vì nếu có điều ước, bố mẹ chúng sẽ ước được quay trở lại như thời xưa, được múa khèn, cướp vợ, tước lanh, nhuộm chàm, dệt vải dưới những mái nhà xanh gỗ pơmu... Bức tranh ấy đã xa rồi, chỉ còn là cổ tích.

 
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Đa diện" đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật.

Và cứ thế mỗi ngày, lũ trẻ lê la trên nền đất vẫn dùng que gậy vẽ những đường nét vô thức như những trò chơi qua ngày. Những ánh mắt trong sáng, tư lự đầy ám ảnh vẫn nhìn chúng ta như những câu hỏi không có lời đáp. Ngoài kia, rừng cạn, lũ quét... và người vùng cao vẫn ngày ngày quăng mình trên những mỏm núi, bám trụ kiên gan, lầm lì. Hoa cải vẫn nở vàng trên khe đá Đồng Văn và những đứa trẻ, má vẫn hồng rực, cười lanh lảnh bên sườn núi. Đó dường như là một thế giới riêng, rất thiên đường cho dù tàn khốc thế nào, cơn bão đô thị hóa vẫn không thể cướp đi được.

Anh tâm sự: Bởi mình yêu trẻ con, vẽ cái gì cũng thích liên quan đến bọn trẻ. Chúng cho mình năng lượng và mình cũng muốn học ở chúng, nhất là cách bọn trẻ vẽ tranh. Mình muốn tương tác với lũ trẻ qua những bức tranh ấy. Tác phẩm hội họa sử dụng mô tip tranh thiếu nhi đầu tiên của mình là "Cánh chim biển" năm 2013.

Các tác phẩm trong seri tranh "Những đứa trẻ thiên đường". 

Từ đó đến nay, họa sĩ Lê Thế Anh không ngừng ấp ủ đi sâu khai thác sự kết hợp giữa lối vẽ hiện thực với những mảng mầu nét vẽ trang trí, ngây thơ. Và theo như chia sẻ của anh thì đó là sự kết hợp vừa khó khăn nhưng cũng đầy thú vị.

Và loạt 04 bức tranh nhỏ 20 x 30cm trưng bày, giới thiệu trong triển lãm “Đa diện” như một sự ra mắt chính thức cho seri loạt tranh “Những đứa trẻ thiên đường” của họa sĩ trẻ Lê Thế Anh.

Họa sĩ Lê Thế Anh sinh ngày13/01/1978 tại Hưng Yên. Hiện anh đang là giảng viên Khoa Thiết kế Mỹ thuật (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và thành viên nhóm Hiện thực.

Với quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, Lê Thế Anh đã có cho mình một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ và nhiều nhiều giải thưởng quý giá:  Huy chương Bạc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 (2005 – 2010); Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015; Giải A Văn học nghệ thuật toàn quốc đề tài Hải quân (2011 – 2015); Giải B Mỹ thuật (không có giải A dành cho Mỹ thuật) Giải thưởng toàn quốc sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lần thứ 2 (2011 –2014); Giải B Mỹ thuật Giải thưởng toàn quốc Văn học nghệ thuật, báo chí về về đề tài lực lượng vũ trang – Chiến tranh Cách mạng 2014 (2009 – 2014); Giải Tặng thưởng triển lãm Mỹ thuật khu vực I Hà Nội, 2014./.

“Đa diện” trưng bày, giới thiệu tác phẩm của 11 họa sĩ thuộc hai thế hệ 7x và 8x, gồm: Lê Thế Anh, Duy Hòa, Nguyễn Minh, Đặng Hữu, Dương Tuấn, Nguyễn Mạnh Hùng, Bùi Hoàng Dương, Khổng Đỗ Duy, Chu Viết Cường, Nguyễn Minh và Nguyễn Huân. Các họa sĩ đều đã tốt nghiệp trường mỹ thuật từ lâu, đều đã có triển lãm riêng chung đâu đó, mỗi người vẫn đang trên hành trình rong ruổi kiếm tìm khuôn mặt riêng của chính mình, người thì tìm mình trong trừu tượng, người thì tìm mình trong hiện thực, trong biểu hiện, trong pha trộn giữa hội họa và đồ họa, trong chất liệu sơn dầu, với bút pháp… Mỗi người một diện mạo, một phong cách tạo nên một bức tranh chung, bức tranh đa diện.

Anh Vũ - CN

NỔI BẬT TRANG CHỦ