• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng lý giải việc “nhân tài” ra khỏi Đề án 922

Thời sự 26/05/2018 07:11

(Tổ Quốc) - Lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng đã lý giải việc nhiều học viên ra khỏi Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Đề án 922).

Chiều 25/5, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Đề án 922).

Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, tính đến ngày 24/5, Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo Đề án 922; cụ thể: 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú; 368 học viên bậc đại học; 89 học viên bậc sau đại học; 29 học viên đào tạo 2 bậc theo Đề án; 2 học viên đào tạo cả đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo Đề án.

Về việc bố trí công tác: Có 460 học viên đã được bố trí công tác, trong đó có 402 học viên đang thực công tác, 12 trường hợp đã thanh lý hợp đồng, 1 trường hợp được đồng ý cho chuyển công tác sang tỉnh khác; 45 học viên bị buộc ra khỏi Đề án (do không đạt kết quả học tập theo yêu cầu của Đề án, vi phạm quy định về trình diện của Đề án, vi phạm luật pháp nước sở tại…) và xin ra khỏi Đề án.

 Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết với các trường hợp bị buộc ra khỏi Đề án 922 thì phải bồi thường hoàn toàn kinh phí đào tạo. Ảnh: Đức Hoàng

Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn (bằng kinh phí tự túc hoặc bằng kinh phí Đề án) và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi đã hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố.

Đến nay, số lượng học viên Đề án đang thực công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 402 người. Cụ thể: 136 người tại các cơ quan hành chính, 210 người tại các đơn vị sự nghiệp, số còn lại làm việc tại các cơ quan khối đảng và đoàn thể, Đại học Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp, Tòa án Nhân dân TP.

Việc tiếp nhận, bố trí công tác cho học viên Đề án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố. Đa phần học viên Đề án có tính gắn bó, cam kết làm việc lâu dài và có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả công việc tốt do được đào tạo bài bản, năng động, có tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo.

Qua thực tế công tác đã có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức, 88 người được kết nạp vào Đảng, 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý (có 16 người giữ chức vụ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và 44 trưởng, phó phòng).

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết "Nếu những người giỏi, có năng lực, đạo đức ra khỏi Đề án thì rất tiếc...". Ảnh: Đức Hoàng

Lý giải về việc học viên ra khỏi Đề án, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết: Từ khi triển khai Đề án (năm 2004) đến nay, số liệu học viên bị buộc ra khỏi Đề án và xin ra khỏi Đề án cụ thể như sau: Có 93 học viên xin và được thành phố đồng ý cho rút khỏi Đề án, trong đó có 40 người xin rút khỏi Đề án khi đang công tác với các lý do sau: 15 trường hợp để đoàn tụ gia đình hoặc giải quyết việc gia đình; 6 trường hợp lý do cá nhân (để theo học ở bậc cao hơn); 3 trường hợp vì lý do sức khỏe; 16 trường hợp muốn thay đổi công việc.

Có 47 học viên bị ra khỏi Đề án, trong đó có 23 trường hợp không đạt kết quả theo yêu cầu Đề án, 19 trường hợp vi phạm quy định của Đề án, 5 trường hợp bị cơ quan sử dụng lao động sa thải hoặc buộc thôi việc.

Học viên xin ra khỏi Đề án sẽ bị truy thu 50% kinh phí. Với các trường hợp bị buộc ra khỏi thì phải bồi thường hoàn toàn kinh phí đào tạo.

“Việc chuyển dịch nhân lực từ công ra ngoài và ngược lại là vấn đề bình thường của bất kỳ nền hành chính nào. Nếu những người giỏi, có năng lực, đạo đức ra khỏi Đề án thì rất tiếc, bởi Đà Nẵng rất cần những người giỏi để phát triển thành phố”, ông Nguyễn Văn Chiến chia sẻ và cho biết dư luận thời gian qua dùng từ “nhân tài” chưa chuẩn xác. Bởi đây hoàn toàn là chính sách thu hút nhân lực có ràng buộc và ai cũng được quyền tham gia khi đủ điều kiện, nên gọi họ là học viên.

 Việc tiếp nhận, bố trí công tác cho học viên Đề án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố. Ảnh: Đức Hoàng

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, đến nay đã thu hồi được 89 tỷ đồng kinh phí đào tạo đối với những trường hợp ra khỏi Đề án.

Để “giữ chân người tài”, Đà Nẵng đã điều chỉnh, đổi mới trong chủ trương, chính sách thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công của thành phố. Ưu tiên việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thông qua bồi dưỡng ngắn hạn trong nước hoặc ở nước ngoài; ưu tiên đào tạo sau đại học ở nước ngoài phù hợp với công việc của cán bộ, công chức…

Đặc biệt, sắp tới Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ sẽ gặp gỡ, đối thoại để nghe tâm tư nguyện vọng của các học viên nhằm tìm hướng đi khả thi nhất.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ