• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đặc sắc nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Văn hoá 10/11/2023 20:50

(Tổ Quốc) - Từ ngày 10 đến hết ngày 11/11, đến với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, công chúng Thủ đô và du khách tham quan có cơ hội hòa mình vào không gian "Sáp ong - Sắc chàm".

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030", giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

Đặc sắc nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: "Trong suốt gần 30 năm gắn bó với công việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa, tôi có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc mang những đặc trưng văn hóa riêng từ ngôn ngữ, phong tục cho đến ẩm thực và trang phục. Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng đó là việc chị em phụ nữ các dân tộc đã sáng tạo và gìn giữ lưu truyền rất nhiều kỹ thuật tạo hoa văn, tô điểm cho trang phục vô cùng đặc sắc và độc đáo. Từ xưa đến nay, những người phụ nữ hàng ngày cần cù, tỉ mỉ từ việc trồng bông, trồng lanh, se sợi, dệt vải. Họ dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo nên những bộ trang phục mang tính thẩm mỹ cao, gắn với môi trường sống và phản ánh nhân sinh quan sâu sắc".

Đặc sắc nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Không gian sự kiện

"Đặc biệt, những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số chính là những người đã và đang bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa trao truyền của dân tộc mình một cách tuyệt vời. Tôi tin tưởng rằng, sự kiện này góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của phụ nữ dân tộc H'mông, dân tộc Dao Tiền nói riêng và phụ nữ các dân tộc thiểu số nói chung, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng dân tộc" – bà Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh.

Sự kiện "Sáp ong – Sắc chàm" kể câu chuyện bảo tồn và phát huy kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong truyền thống, một tập tục tốt đẹp của phụ nữ dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao tiền) tại hai tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng. Đến tham dự sự kiện, công chúng được giao lưu và trải nghiệm vẽ sáp ong cùng nghệ nhân dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao tiền).

Đặc sắc nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Nghệ nhân Sùng Y Thanh – người dân tộc H'mông chia sẻ: Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Công đoạn nào cũng quan trọng, trong đó, khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ. Khi vẽ phải giữ sao cho lượng sáp luôn chảy đều cho đến hết mới chấm bút vào sáp để tiếp tục nét vẽ. Vẽ xong hoa văn thì đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô mới tiếp tục các công đoạn khác, như thêu chỉ màu và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.

Đặc sắc nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ

Đến tham dự sự kiện "Sáp ong – Sắc chàm", bạn Ly Thị Mỷ (Hà Giang) chia sẻ: "Em rất tự hào khi thấy nét văn hóa đặc trưng riêng ở quê hương mình được trình diễn tại Hà Nội. Dù là một người con của dân tộc Mông, nhưng bản thân còn nhiều thiếu sót khi chưa nắm bắt được hết các công đoạn, kỹ thuật sản xuất một tấm vải lanh. Hôm nay là dịp để em được học hỏi, trải nghiệm kỹ thuật vẽ sáp ong; từ đó chiêm nghiệm về bản thân nhiều hơn, cố gắng phấn đấu hơn để gìn giữ bền vững bản sắc văn hóa dân tộc".

Không chỉ là câu chuyện văn hóa mà sự kiện còn là câu chuyện về bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ; thể hiện sự tài khéo của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng như vị trí, đóng góp của người phụ nữ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để những nghệ nhân, các doanh nghiệp chia sẻ những băn khoăn, trăn trở trong việc tìm hướng đi cho sản phẩm, cách phát triển kinh tế từ chính những bản sắc văn hóa riêng có của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Đặc sắc nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Dụng cụ để vẽ hoa văn sáp ong

Trăn trở với suy nghĩ nếu các sản phẩm thủ công chỉ được phục vụ trong cộng đồng nhỏ của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không đi sâu, đi dài được, Nghệ nhân Sầm Thị Tình (dân tộc Thái) cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp từ chính các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào mình, đưa các sản phẩm mang tính ứng dụng cao vào trong cuộc sống, không chỉ trong các bộ quần áo đơn thuần mà còn phải kết hợp với nhiều sản phẩm khác hiện đại hơn như: túi, vỏ gối, chăn,…; từ đó sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu cao của cộng đồng.

Đặc sắc nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Trong khuôn khổ sự kiện, công chúng còn mặc thử trang phục truyền thống và lưu lại những giây phút trải nghiệm thú vị trong không gian mang đậm nét văn hóa vùng cao

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển dân tộc Cao Tuấn Linh chia sẻ: "Là một doanh nghiệp cộng đồng và rất yêu thích văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đã có những kết nối và tạo ra cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Thông qua đó, chúng tôi đã có những sự giúp đỡ kịp thời với những hoàn cảnh gặp khó khăn, thương mại hóa sản phẩm hay hoàn thành các hành lang pháp lý, quảng bá sản phẩm của họ đến gần hơn với công chúng. Từ đó, vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc vừa tạo kế sinh nhai cho chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống của họ".

Trong khuôn khổ sự kiện, công chúng còn có cơ hội tìm hiểu về vẻ đẹp của kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống thông qua triển lãm ảnh "Sáp ong - Sắc chàm", mặc thử trang phục truyền thống và lưu lại những giây phút trải nghiệm thú vị trong không gian mang đậm nét văn hóa vùng cao./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ