• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đàm phán lại NAFTA bị kéo dài

Thế giới 04/11/2017 08:30

(Tổ Quốc) - Canada và Mexico chuẩn bị cho khả năng “sống cả đời mà không có NAFTA”.  

Những tháng còn lại của 2017 chứng kiến nỗ lực của Mỹ triển khai các cuộc đàm phán thương mại.

Các cuộc đàm phán điều chỉnh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang được thúc đẩy tối đa vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, đàm phán có thể kéo dài đến năm sau, do những thách thức trong việc làm hài hòa những ưu tiên của 3 nước thành viên gồm Mỹ, Canada và Mexico.

 Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa) phát biểu tại cuộc đàm phán ba bên về NAFTA, ngày 27/9/2017: Bên trái là Ildefonso Guajardo, Bộ trưởng kinh tế Mexico, và bên phải là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Trong các cuộc đàm phán lại NAFTA, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn là nền tảng của chiến lược thương mại của Tổng thống Trump. Washington sẽ tập trung cơ cấu lại NAFTA để giảm thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với hai thành viên khác. Chính quyền Mỹ thúc đẩy những yêu cầu về quy định chặt chẽ hơn đối với nguồn gốc, cũng như hàm lượng nội địa đối với ngành thép và ô tô. Tuy nhiên, vấn đề hàm lượng nội địa đối với ngành thép và ô tô khó có thể đạt được đồng thuận.

Theo phân tích của Viện Peterson về Kinh tế quốc tế (PIIE), trong trường hợp Mỹ đạt mục tiêu tăng hàm lượng nội địa từ 35% lên 50% đối với ô tô nhập khẩu trong quá trình tái đàm phán NAFTA, nhiều dòng xe được sản xuất ở Mexico sẽ gặp khó khăn do chưa đáp ứng quy định này. Hiện tại tất cả ô tô mà Mỹ nhập khẩu từ Mexico và Canada có tỷ lệ hàm lượng nội địa Mỹ trung bình đạt 25%. Tuy nhiên, nhiều dòng xe đang được sản xuất mạnh tại Mexico lại chỉ có hàm lượng nội địa Mỹ dưới 25%.

 Ô tô sản xuất ở Mexico qua biên giới Mexcio-Mỹ để vào thị trường Mỹ.

 Bên cạnh đó, Washington cũng gây sức ép đối với Canada và Mexico để tăng khả năng tiếp cận thị trường nội địa hai nước này, đối với Mexico là tăng lương, tiêu chuẩn lao động và môi trường.

 Mặc dù có những lời lẽ cứng rắn trong giai đoạn đầu đàm phán lại NAFTA, Mỹ sẽ gặp khó khăn khi thuyết phục Mexico và Canada chấp nhận những đòi hỏi của mình. Cho đến nay, phía Mỹ chưa đưa ra những đề nghị sửa đổi đối với các nội dung chính của Hiệp định.

Mexico và Canada cũng có những ưu tiên riêng khi đàm phán lại NAFTA. Canada muốn giữ Chương 19 về Cơ chế giải quyết tranh chấp, dù Mỹ muốn xóa bỏ điều này. Canada đề nghị Mỹ xem xét cho phép lao động di chuyển tự do hơn giữa các nước thành viên NAFTA, bổ sung một chương mới về tiêu chuẩn lao động và tăng khả năng tiếp cận thị trường mua sắm công. Mexico phải làm sao duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Mexico theo NAFTA mới và phản đối các rào cản thương mại có thể được đưa vào bàn đàm phán.

 Năm ngoái, Mỹ thâm hụt thương mại với Mexico 63 tỷ USD và với Canada 12 tỷ USD.

Canada và Mexico vừa đàm phán với Mỹ, vừa tìm đối tác mới

Trong vòng đàm phán từ ngày 27/9/2017, bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada, nhận xét: “Canada cũng giống như cô gái nhà bên (của Mỹ) nên dễ bị xem thường. Nên nhớ rằng đàm phán NAFTA không chỉ quan trọng đối với người Canada mà đối với cả người Mỹ nữa”.

 Ngay sau vòng ba đàm phán chỉ đạt được rất ít tiến bộ, Francois-Philippe Champagne, Bộ trưởng Bộ thương mại Canada, đã đi thăm Colombia, thúc đẩy quan hệ thương mại với 4 nước thành viên khối thương mại tự do gọi là Liên minh Thái Bình Dương (the Pacific Alliance), gồm Colombia, Mexico, Peru và Chile.

 Trong năm nay, 94% hàng hóa đã qua lại tự do thuế quan giữa 4 nước thành viên của Liên minh. Tổ chức này thành lập năm 2011, có khối lượng buôn bán chiếm một nửa thương mại của khu vực Mỹ Latinh với 200 triệu dân.

 Chính phủ Canada và Mexico đều cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán về NAFTA nhằm đổi mới hiệp định này, hy vọng tạo ra một thỏa thuận công bằng và “cùng thắng”. Tuy nhiên hai nước cũng chuẩn bị cho khả năng “sống cả đời mà không có NAFTA”.

 Ngoài NAFTA, Nhà Trắng cũng đang đánh giá lại Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn (KORUS). Nhưng do Đạo luật Quyền Thúc đẩy Thương mại (quyền đàm phán nhanh) quy định Nhà Trắng phải thông báo Quốc hội 90 ngày trước khi đàm phán chính thức với Hàn Quốc, nên các cuộc đối thoại điều chỉnh hiệp định không thể bắt đầu cuối năm nay.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/10 cho biết Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu lá nhôm Trung Quốc từ 96,81% - 162,24% bởi mặt hàng này đang được bán với giá thấp tại Mỹ. Và thâm hụt thương mại là một nội dung ưu tiên trong cuộc tiếp xúc cấp cao của Tổng thống Trump khi thăm Bắc Kinh trong mấy ngày tới./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ