• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBSCL sẽ đón nhận 1 tỷ USD đầu tư vào các công trình ứng phó biến đổi khí hậu

Kinh tế 27/09/2017 15:48

(Tổ Quốc) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%. Thời gian tới, sẽ có khoảng 1 tỷ USD để đầu tư vào các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập mặn trong vùng ĐBSCL.

Sáng nay, tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%. Chính phủ đang cố gắng tìm các nguồn đầu tư khác trong đó có ODA, WB để hỗ trợ việc Đồng bằng sông Cửu Long chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị  (Nguồn: chinhphu.vn)

"Ít nhất sẽ có 1 tỷ USD dành cho Đồng bằng sông Cửu Long để làm một số công trình điều tiết nước ngọt, điều tiết lũ và nước nhiễm mặn", Thủ tướng cho hay. 

Báo cáo tại Hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong phiên thảo luận chuyên đề ngày 26/9 đã xoay quanh về quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp phát triển vùng ĐBSCL, cơ chế huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.

Hiện ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước. 

Cho rằng, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong đó phải xem nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hôi - môi trường. 

Cùng với đó, phải xem nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên; Cân nhắc diện tích trồng lúa; Hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện; Nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; Sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện trong vùng; Đảm bảo sự tham gia rộng rãi của các đối tượng có liên quan bao gồm doanh nghiệp, người dân; Xây dựng các cơ chế quản lý và điều phối vùng hiệu quả…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ thông tin rằng, các đại biểu đề nghị tăng ngân sách cho vùng lên 20% GDP để đảm bảo nguồn lực phát triển ĐBSCL 

Các Bộ trưởng tại Hội nghị (zing.vn)

Trình bày báo cáo tổng thể hội nghị chuyên đề về Thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần thay đổi nhận thức vùng Đồng bằng sông Cửu Long như một thể thống nhất; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của Đồng bằng, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong Tiểu vùng sông Mê Công.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Xem nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt.



Ngoài ra, cần chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa…



Tại Hội nghị, trong bài phát biểu của mình, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam nguồn vốn hỗ trợ để phát triển các công trình, phi công trình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ