• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để công nghiệp điện ảnh không chỉ là 'vùng đất' tiềm năng

Văn hoá 11/12/2023 14:23

(Tổ Quốc) - Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Theo các nhà nghiên cứu, nhà làm phim, để có nền công nghiệp điện ảnh, cần nhiều yếu tố.

Không chỉ là vùng đất tiềm năng

Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: Nói đến phát triển công nghiệp điện ảnh Việt là nói tới các khâu quan trọng nhất, gồm sáng tạo và sản xuất phim; phát hành, phổ biến phim và phát triển thị trường điện ảnh; quảng bá, xúc tiến phát triển công nghiệp điện ảnh. Những khâu này đều được quy định bằng những điểm mới trong Luật Điện ảnh.

Để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam xác định điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế

Trong khâu sáng tác và sản xuất phim, có sự bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân, không phân biệt hãng phim Nhà nước và tư nhân. Các hãng phim đều được tham gia sản xuất phim đặt hàng khi họ xây dựng kịch bản và dự án làm phim đúng chủ đề, tiêu chí quy định trong Luật và kịch bản được Hội đồng thẩm định kịch bản của chủ đầu tư phê duyệt.

Về phát hành, phổ biến phim, lần đầu Luật Điện ảnh 2022 quy định chế độ "tiền kiểm" kết hợp "hậu kiểm" thay vì chỉ "tiền kiểm" như trước. Các tổ chức, doanh nghiệp được phép tự thẩm định, phân loại để phổ biến trên mạng theo quy định. Điều này phù hợp với xu thế phát triển chung của điện ảnh.

Luật Điện ảnh 2022 cũng có một chương mới về quảng bá và xúc tiến phát triển điện ảnh. Theo đó quy định: "Xây dựng, quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển thị trường điện ảnh trong nước và nước ngoài". Thương hiệu và thị trường thật sự là những yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp điện ảnh- TS Ngô Phương Lan chia sẻ.

Bên cạnh đó, quy định mở rộng các cơ quan, đơn vị ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tổ chức các sự kiện điện ảnh (quốc tế và trong nước) chính là động lực phát triển thương hiệu điện ảnh, đặc biệt là đã khuyến khích được các nguồn lực ngoài Nhà nước chung tay xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Việc hợp tác sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài cũng có sự đổi mới đáng kể với những quy định chính sách ưu đãi cho phim nước ngoài quay tại Việt Nam. "Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rằng ưu đãi đối với các đoàn làm phim rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Nhiều nước thu lợi lớn từ các ngành dịch vụ và du lịch khi đón các phim "bom tấn" quay tại nước mình, đồng thời phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo và nâng cao kỹ năng và tay nghề, nguồn nhân lực điện ảnh tinh thông. Nếu chúng ta không cụ thể hóa được những chính sách và "niêm yết" rõ ràng tỷ lệ ưu đãi đối với các dự án phim hợp tác và dịch vụ như ở các nước khác thì Việt Nam vẫn chỉ là "vùng đất tiềm năng" mà thôi"- TS Ngô Phương Lan chia sẻ.

NSƯT, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, người nước ngoài đến Việt Nam làm phim trước hết vì cần bối cảnh. Thiên nhiên ưu đãi cho nước ta nhiều bối cảnh đẹp, lạ mắt. Tuy nhiên, chúng ta chưa có thể giới thiệu tổng quan và chi tiết, để khách hàng đỡ mất thời gian đi nhiều nơi lựa chọn, để tiết kiệm chi phí. Giả sử, nếu chúng ta làm một bộ sưu tập đầy đủ, chi tiết phong phú, phù hợp với mục đích làm phim thì thuận lợi cho khách hàng thì mới có tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Máy móc, nhà xưởng, trường quay có thể đầu tư được nhưng không có con người công nghiệp thì cũng không thể có công nghiệp điện ảnh.

Để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế

Để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh

Để xây dựng công nghiệp điện ảnh, TS Ngô Phương Lan cho rằng, cần những công việc cụ thể. Chẳng hạn, mặc dù thị trường điện ảnh ở Việt Nam đang tăng trưởng nóng nhưng ở đó cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hơn 60% số phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim, công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim khiến các công ty sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản. Rạp chiếu phim của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt ở các thành phố lớn, trong khi hệ thống rạp của Nhà nước ở địa phương lạc hậu về cơ sở vật chất kỹ thuật, hầu như tê liệt.

Vì vậy, để phát triển bền vững thị trường điện ảnh, có ba vấn đề mấu chốt trong khâu phát hành và phổ biến phim cần giải quyết, đó là quy định cấp phép phân loại phim, tỷ lệ chiếu phim Việt và cạnh tranh lành mạnh.

Để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 3.

Khán giả Việt Nam yêu mến điện ảnh

Đồng quan điểm trên, NSƯT, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, không có thị trường điện ảnh ổn định và phát triển thì không có công nghiệp điện ảnh. Thị trường điện ảnh của nước ta đang bị các công ty nước ngoài chiếm phần lớn.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, để đạt được mục tiêu xây dựng nền công nghiệp điện ảnh cần có sự chung tay, nỗ lực của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành lĩnh vực khác như tài chính, du lịch, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông.

Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua tài năng nghệ thuật, sức sáng tạo của các nghệ sĩ và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên sản phẩm hàng hóa đặc biệt- là những bộ phim lôi cuốn, đến với người xem bằng nhiều hình thức phổ biến hiện đại, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và tính toàn cầu hóa của điện ảnh. Cùng đó, các tác phẩm điện ảnh của chúng ta vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Sức sáng tạo độc đáo, nhân văn, hướng thiện của các nghệ sĩ trong mỗi tác phẩm điện ảnh đóng vai trò quan trọng để thu hút công chúng khán giả và khẳng định vị trí của điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", chỉ tiêu đến năm 2020 ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD), nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu năm 2020 vào năm 2018 (tổng doanh thu 155 triệu USD); doanh thu phim Việt năm 2018 cũng đạt chỉ tiêu của năm 2020 (khoảng 50 triệu USD). Đến năm 2019, tổng doanh thu vượt thêm gần 20% (176 triệu USD) so với chỉ tiêu trong Chiến lược.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ