• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển

Văn hoá 21/10/2023 20:31

(Tổ Quốc) - Ngày 20-21/10, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng trong tương lai do Công ty TNHH Production Thanh Việt phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc quốc tế gió mùa 2023 (Monsoon Music Festival 2023).

Phát triển công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam còn nhiều thách thức

Hội thảo chia làm 5 phiên, với các nội dung thảo luận chính gồm: Chính sách văn hóa nghệ thuật; Trình diễn nhạc sống từ góc độ của các nhà tổ chức và nghệ sĩ; Tổng quan về ngành âm nhạc Việt Nam; Xu hướng âm nhạc - nghệ sĩ; Khán giả và ngành công nghiệp âm nhạc; Nghệ sĩ và việc quảng bá sản phẩm.

Để ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển - Ảnh 1.

Các khách mời tại hội thảo "Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai"

Phát biểu tại hội thảo, với tư cách là cơ quan phối hợp tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Trần Hải Vân cho biết: Trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng, ngành âm nhạc và nghệ thuật vừa có sự bền bỉ, vừa có sự thay đổi nhanh chóng, từ sáng tạo của người nghệ sĩ, hình thức biểu diễn cho đến thị hiếu của khán giả cũng có sự thay đổi theo mỗi giai đoạn khác nhau. Tại Việt Nam, ngành âm nhạc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng được nhiều thành phố của Việt Nam lựa chọn là một trong những thế mạnh sáng tạo góp phần vào quá trình phát triển bền vững của địa phương.

Đánh giá về sự phát triển của công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam chưa thật sự phát triển, còn gặp rất nhiều khó khăn, do cơ chế chính sách còn nhiều thách thức. Điển hình như, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) 2023, đây là một lễ hội âm nhạc có thương hiệu, có nhiều đóng góp vào nền công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, tuy nhiên lễ hội được cấp phép rất sát ngày. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch, dễ khiến những nhà sản xuất, những đơn vị tổ chức nản lòng.

Theo bà Phạm Minh Hồng (quản lý nghệ thuật, Hội đồng Anh) chia sẻ ở Anh, công nghiệp văn hóa đã phát triển 30 năm nay. Chính phủ Anh có nhiều chính sách để phát triển nền công nghiệp này. Họ tạo ra những tổ chức làm cánh tay nối dài giữa nghệ sĩ và chính phủ, chẳng hạn Hội đồng Anh. Trong mọi quyết định xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa, những nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo luôn là đối tượng trung tâm. Nghệ sĩ được quyền tham gia vào việc tư vấn, đưa ra nhu cầu lẫn khả năng đóng góp của họ… vào nền công nghiệp đó.

"Đặc biệt, những doanh nghiệp/cá nhân làm việc trong ngành công nghiệp văn hóa sẽ được giảm thuế. Vương quốc Anh cũng sẽ có những chính sách ưu tiên đối với những lĩnh vực đang phát triển như điện ảnh, game, phim hoạt hình… Và họ không đánh thuế với nghệ sĩ độc lập" – bà Phạm Minh Hồng cho biết thêm.

Để ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển - Ảnh 2.

Tại Việt Nam, ngành âm nhạc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030

Đồng sáng lập, giám đốc điều hành The OMAs, giải thưởng âm nhạc thường niên được tổ chức tại Durham Region, Canada Thảo Nghiêm chia sẻ, tương tự với Vương quốc Anh, phần lớn những lễ hội âm nhạc ở Canada được hỗ trợ từ chính phủ hoặc từ thành phố. Những đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư nhân ăn nên làm ra luôn dành một khoản thu nhập để phát triển văn hóa hoặc xây dựng cộng đồng.

Qua đó, Thảo Nghiêm hy vọng có thể thấy được điều này tại Việt Nam trong tương lai. Các nghệ sĩ hay những người đứng sau sân khấu nước nhà sẽ không phải đi một mình mà họ sẽ có một cộng đồng để cùng nhau làm việc, khuyến khích ngành âm nhạc Việt Nam phát triển.

Việt Nam cần gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo về âm nhạc

Để ngành công nghiệp âm nhạc của Việt Nam ngày càng phát triển, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng: Nếu như Việt Nam có một thành phố gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo về âm nhạc, chúng ta sẽ có cơ hội kết nối mạng lưới, phát triển quan hệ đối tác – hợp tác, từ đó đa dạng hóa các thực hành âm nhạc, các chính sách được thu hẹp, nuôi dưỡng nguồn nhân lực âm nhạc có kỹ năng, chuyên môn cao và một cộng đồng âm nhạc với gu âm nhạc chất lượng cao. Qua đó, góp phần phát triển ngành công nghiệp âm nhạc của nước ta ngang với các quốc gia khác trên thế giới. Với suy nghĩ như vậy, năm 2021, Bộ VHTTDL đã triển khai kế hoạch xây dựng đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam, và đã đề xuất Đà Lạt là thành phố có tiềm năng về âm nhạc.

"Vì sao Đà Lạt được chọn gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo? Vì như thế chúng ta có thể tiếp cận được xu thế toàn cầu. 130 năm về trước, người Pháp đã xây dựng Đà Lạt thành một đô thị sôi động, có nhiều loại hình âm nhạc. Phải có lý do thì Trịnh Công Sơn, Khánh Ly… mới chọn Đà Lạt để làm nhạc, phát triển sự nghiệp. Ở đây phong cảnh hữu tình nên có tới hơn 300 bài hát viết về thành phố "thông reo" này.

Hơn nữa, âm nhạc trở thành sinh kế của người dân Đà Lạt, nhiều đơn vị tổ chức sự kiện làm các chương trình âm nhạc. Các "sô" diễn ở đây được tổ chức từ chiều đến tối (17h-19h30) vì ở thành phố núi này, hoàng hôn vô cùng đẹp và lộng lẫy. Bên cạnh đó, các quán cà phê cũng có nhiều chương trình âm nhạc, mời ca sĩ về biểu diễn" - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

Để ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển - Ảnh 3.

Các khách mời tại hội thảo "Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai"

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, nếu phát triển về âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực và du lịch… cùng với sự đảm bảo về môi trường thì Đà Lạt sẽ trở thành một thành phố công nghiệp âm nhạc tương lai. Để làm được điều đó, chúng ta phải cải thiện các chính sách và mô hình văn hóa, tập trung vào âm nhạc như một yếu tố chiến lược phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác công tư người dân và bao trùm xã hội. Đa dạng hóa các ngành kinh tế với các công việc sáng tạo chất lượng làm trọng tâm, đặc biệt lĩnh vực âm nhạc, nhằm huy động nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó, chương giáo dục âm nhạc vì cộng đồng cần được thực hiện xuyên suốt nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo âm nhạc của Đà Lạt, đồng thời thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa các nhóm xã hội tại thành phố.

Bên cạnh các chính sách phát triển của Nhà nước, nghệ sĩ cũng cần phải thay đổi để bắt kịp xu hướng âm nhạc hiện nay, Nghệ sĩ trẻ Tuimi chia sẻ so với 5 năm trước, mạng xã hội cũng như các nền tảng xã hội giờ đây giúp nghệ sĩ gửi tác phẩm của họ đến đúng đối tượng khán giả của mình hơn rất nhiều. Ngoài năng lực chuyên môn, nghệ sĩ cũng phải học cách tự truyền thông, quảng bá bản thân.

Nghệ sĩ hoặc nhà phân phối cũng phải quan tâm tới thị hiếu, theo ông An Đặng (Believe Việt Nam), cách thưởng thức âm nhạc của người dân ở các miền là khác nhau: Như ở Hà Nội thì âm nhạc mang tính thể nghiệm, ở miền Nam thì khán giả nghe âm nhạc cởi mở hơn, không quá gay gắt về chất lượng đêm diễn. Theo đó, những người làm âm nhạc cũng phải lựa theo gu âm nhạc của khán giả mà làm các chương trình.

Ngoài ra, muốn làm việc với các nền tảng quốc tế, nghệ sĩ Việt Nam phải tuân theo quy luật của họ. Họ có một quy trình rất rõ ràng và cụ thể, từ việc đưa demo, thời gian, gửi nốt nhạc… Khi gửi bài, nghệ sĩ nên đưa những ca khúc mà mình tâm đắc lên trước.

Thông qua hội thảo quốc tế "Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai" các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm, đề xuất hỗ trợ người thực hành âm nhạc cũng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng, công nghiệp sáng tạo và văn hóa nói chung của Việt Nam./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ