• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề nghị báo cáo cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng

Thời sự 08/06/2018 06:38

(Tổ Quốc) -Chiều 7/6, thảo luận tại tổ, các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến về bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an Nhân dân (CAND) trong dự thảo Luật CAND sửa đổi.

Theo đó, nhiều ý kiến còn khác nhau về vấn đề này.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ý kiến của Ủy ban Quốc phòng – an ninh thì tán thành cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, vì cho rằng, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an được điều chỉnh theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, không tổ chức cấp tổng cục.

Cấp cục là cấp nghiên cứu, tham mưu chiến lược; có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn toàn lực lượng; là đơn vị đầu ngành, trực tiếp chiến đấu trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo lĩnh vực được phân công; các đơn vị trực thuộc Bộ được thành lập trên cơ sở sáp nhập nhiều đơn vị cấp cục hiện nay.

Do đó chức năng, nhiệm vụ cũng được bổ sung, quy mô tổ chức được tăng lên nên việc nâng trần cấp bậc hàm đối với vị trí lãnh đạo ở một số đơn vị cấp cục là phù hợp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Nam Nguyễn
Một số ý kiến thì băn khoăn với quy định này vì cho rằng, theo chủ trương của cấp có thẩm quyền thì việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ trong luật, đúng nhu cầu.

Do đó, đề nghị báo cáo cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đề nghị cân nhắc quy định cấp bậc hàm cao hơn một bậc đối với các chức vụ quy định tại khoản 4 Điều 26 dự thảo Luật.

Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, quy định này cũng nhận được nhiều sự tranh luận.

Với dòng ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng: Việc quy định Giám đốc Công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

Góp ý cho dự thảo Luật CAND, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đừng để người dân sợ công an. Không có công an một ngày thì rất nguy cấp nhưng họ cũng rất e ngại. Công an phải sửa phong cách, cách làm đúng luật để làm sao công an nhân dân sát dân hơn, gần dân hơn, cần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tốt hơn.

Tuy nhiên, việc xác định Giám đốc Công an tỉnh, TP có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong Luật.

Dòng ý kiến thứ hai thì đề nghị quy định tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ như các cục thuộc Bộ; đồng thời bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo Công an cấp tỉnh và vẫn bảo đảm tổng số tướng của lực lượng Công an theo xác định của cấp có thẩm quyền.

Ý kiến này cũng đề nghị xem xét sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về vị trí cấp tướng đối với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh cho thống nhất.

Dòng ý kiến thứ ba không nhất trí như quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương…

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật CAND, Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ.

Tuy nhiên, thời điểm sửa Luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ; nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian.

“Do vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nói./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ