• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dịch vụ đổi tiền lẻ đẩy giá 'lên trời' trước Tết Nguyên đán

Kinh tế 04/01/2019 12:51

Trên các trang mạng như Facebook, Google, Zalo… có rất nhiều quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với nhiều mức giá khác nhau.

Dịch vụ đổi tiền lẻ đẩy giá lên trời trước Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới mừng tuổi đang hoạt động sôi động. Nhiều người tranh thủ làm giá, có nơi thậm chí đẩy phí lên tới 400%.

Phí đổi tiền lên tới 400%

Ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị Online, trên các trang mạng như Facebook, Google, Zalo… có rất nhiều quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với nhiều mức giá khác nhau. Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ "đổi tiền lẻ", hàng ngàn kết quả được hiện ra chỉ trong chưa đầy 01 giây. Thậm chí có hẳn các trang web riêng được lập ra chỉ phục vụ đổi tiền lẻ. Đa số, mức phí đổi tiền trung bình tại các trang này thường là từ 10 - 50% tuỳ mệnh giá.

Theo đó, các loại tiền thường được người dùng đổi nhiều nhất là những mệnh giá "xưa nay hiếm" và đã khá ít người còn sử dụng để mua bán (dù vẫn còn giá trị). Bao gồm như 100 đồng, 200 đồng hay 500 đồng có phí đổi từ 35 - 40%/tổng giá trị. Đây là số tiền khó đổi, đã không còn được in mới, người dân chủ yếu để đi lễ chùa.

Bên cạnh đó, các loại tiền khác, thông dụng hơn thường được dùng để mừng tuổi như 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi từ 15 - 25%/cọc tiền khoảng 100 đến 1.000 tờ.

Đặc biệt, mệnh giá 500 đồng được cho là khan hiếm, ít người sử dụng nên nhiều nơi đề nghị người mua phải trả mức phí lên tới 400% (tức đổi 100 tờ 500 đồng mất phí 200.000 đồng).

Bên cạnh đó, nhiều đầu mối đổi tiền ngoài tiền Việt còn bán các loại tiền giấy USD mệnh giá nhỏ cho khách có nhu cầu. Trong đó, loại 2USD liền series được bán với giá cao nhất, khoảng 100 tờ với giá 5,2 triệu đồng.

Anh T. M. Hùng (một đầu mối đổi tiền tại TP.HCM) cho biết: "Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành nhiều tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán. Điều này dẫn đến việc tiền mệnh giá nhỏ, tiền mới trong dịp năm mới trở nên khan hiếm. Vì thế, nhiều người làm dịch vụ đổi tiền cũng tranh thủ tăng giá, kiếm thêm lợi nhuận".

"Để thuận lợi và tránh mất thời gian cho khách hàng, người đổi tiền chỉ cần chuyển khoản một nửa số tiền cần đổi, sau đó bên dịch vụ sẽ giao tận nhà và thanh toán nốt số tiền còn lại", anh Hùng cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Thảo (nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Mấy năm nay, tôi nhận thấy tiền lẻ, tiền mới để lì xì Tết càng khan hiếm. Năm ngoái tôi chủ quan để gần sát Tết mới đổi thì không đổi được. Vì thế, năm nay dù đổi tờ 500 đồng phí lên tới 500 đồng, tôi cũng ráng "cắn răng" đổi, vì sợ càng gần Tết thì lại càng tăng giá, mà lại khan hàng".

Siết chặt, kiểm tra hoạt động đổi tiền lẻ

Liên quan vấn đề này, ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu phải cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ cũng cần có giải pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Cùng đó, cơ quan tiền tệ cũng chịu trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt.

Trước đó, cuối tháng 12, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ tiền dịp lễ, Tết.

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.

Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.

Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành nhiều tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán nhằm tránh lãng phí và các tiêu cực phát sinh.

Số liệu trước đó, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên Đán năm 2018 vừa qua đã tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm được kể từ khi thực hiện chủ trương này lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng.

(Nguồn: Thế giới tiếp thị)

NỔI BẬT TRANG CHỦ