• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điểm nhấn kinh tế Tổng thống Trump chờ mong tại APEC

Thế giới 02/11/2017 11:28

(Tổ Quốc) - Chuyến công du đến Châu Á và dự APEC 2017 là minh chứng cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực và cam kết của riêng ông Trump.  

Báo Singapore Todayonline dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, chuyến công du sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới châu Á là một minh chứng cho sự hiện diện của Mỹ tại đây, cũng như mối quan tâm cá nhân của chính ông Trump trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực này. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng hơn và yêu cầu các quốc gia liên quan áp dụng nhiều hơn nữa các nguyên tắc thị trường tự do. Theo kế hoạch, từ ngày 3 – 14/11, ông Trump sẽ có chuyến thăm chính thức 5 nước Châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, đồng thời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.

Chuyến đi “trấn an” Châu Á – Thái Bình Dương?

Chuyến đi của người đứng đầu Nhà Trắng diễn ra vào thời điểm các mối lo ngại về sự xa cách của Washington đối với Châu Á xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức Tổng thống hồi tháng Một.

Nhằm xoa dịu nỗi lo lắng trên, Nhà Trắng đã chỉ ra các mối quan hệ dầy đặc mà chính quyền Trump đã thiết lập với khu vực, bao gồm cả 43 cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian qua.

Ngoài ra, ông Trump cũng đã có các cuộc gặp mặt song phương với các lãnh đạo đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Chuyến công du Châu Á của Tổng thống Trump sẽ khẳng định sự cam kết ông dành cho các đồng minh và đối tác lâu năm của Mỹ, và tái khẳng định sự dẫn đầu của Mỹ trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” một quan chức cấp cao phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 31/10.

Người này cũng cho biết, đây sẽ là chuyến thăm châu Á dài nhất của một Tổng thống Mỹ trong vòng 25 năm qua; ngoài ra, số lượng các quốc gia mà ông Trump thăm chính thức trong một chuyến công du cũng nhiều hơn bất kỳ Tổng thống nào kể từ thời George W.Bush năm 2003.

Tổng thống Trump sẽ thăm chính thức 5 quốc gia, bao gồm Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Trump dự kiến sẽ có một bài phát biểu, trong đó nêu rõ tầm nhìn của nước Mỹ đối với Châu Á – Thái Bình Dương và tầm quan trọng của khu vực này trong việc thúc đẩy phồn vinh và an ninh của nước Mỹ.

“Để đạt được mục tiêu chung trên, tôi tin rằng các bạn sẽ thấy được sự cần thiết của việc tất cả các quốc gia phải thực thi các chính sách kinh tế dựa trên những nguyên tắc thị trường tự do,” quan chức Nhà Trắng khẳng định. “Điều này đồng nghĩa với việc tuân theo một hệ thống thương mại quốc tế dựa trên nguyên tắc và tôn trọng các tiêu chuẩn cao; đạt được mối quan hệ thương mại công bằng qua việc dỡ bỏ các rào cản thương mại không hợp lý; giảm thâm hụt thương mại; và cam kết với tăng trưởng dựa trên thị trường.”

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn là vấn đề nóng

Washington từng nhiều lần nhắc đến mức thâm hụt thương mại khổng lồ - lên tới 347 tỷ USD vào năm ngoái – với Trung Quốc. Mỹ cũng phàn nàn Trung Quốc thường xuyên “gây khó dễ” cho các công ty nước ngoài trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông và ô tô…

Hồi tháng Chín, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng gọi Bắc Kinh là một trong những quốc gia bảo hộ lớn nhất thế giới với các chính sách trợ giá cho hoạt động của các công ty Trung Quốc.

Theo Nhà Trắng, một thông điệp chủ chốt trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Trump tới Trung Quốc đó là “sự cần thiết phải có mối quan hệ thương mại cân bằng, để các quan hệ kinh tế song phương có thể bền vững.”

“Tiến triển liên quan đến các vấn đề kinh tế song phương [giữa Mỹ và Trung Quốc] đang trở nên ngày càng khó khăn. Chúng tôi tin rằng, điều này phản ánh một sự chậm lại, thậm chí là thoái lui trong các động thái của Trung Quốc hướng tới một nền kinh tế theo định hướng thị trường,” Nhà Trắng cảnh báo.

Washington cũng phủ nhận việc ông Trump sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) diễn ra vào ngày 14/11 tại Philippines. Theo đó, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự “lễ khai mạc chính thức” vào ngày 13/11. Một phái đoàn khác của Mỹ sẽ tham dự Hội nghị vào ngày hôm sau.

“Vì vậy, tôi cho rằng, không chính xác khi nói Tổng thống không tham dự,” quan chức Nhà Trắng giải thích. “Tuy nhiên cuộc gặp gỡ đó [hội nghị diễn ra hôm 14/11] không đại diện cho toàn bộ EAS. Ngài Tổng thống phải quay trở lại làm việc. Đây là chuyến công du dài nhất của ông ấy từ trước tới nay, chuyến đi dài nhất tới Châu Á trong hơn ¼ thế kỷ qua. Chúng ta không thể để ông ấy đi xa khỏi Washington quá lâu.”

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ