• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điều kiện nào để dòng văn học trinh thám Việt Nam từng "vang bóng một thời" sẽ hồi sinh?

Văn hoá 26/11/2018 06:26

(Tổ Quốc) - Không hẹn mà gặp, cùng lúc trên văn đàn Việt ra mắt liên tiếp sách về dòng văn học trinh thám, từ cuốn Biên khảo Răng sư tử của nhà báo Yên Ba dày gần 900 trang cho đến bộ sách 5 cuốn của Phạm Cao Củng. Phải chăng đây là dấu hiệu văn học trinh thám Việt đang có cuộc đổ bộ rầm rộ để hồi sinh?.

Sức hấp dẫn của văn học trinh thám

Theo PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học - Giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì văn học trinh thám Việt Nam xuất hiện khá sớm, từ năm 1910. Tuy nhiên đó chỉ là sự xuất hiện lẻ tẻ và chưa tạo được dấu ấn trên văn đàn cũng như độc giả. Phải đến khi Phạm Cao Củng xuất hiện với bộ sách nửa cuối những năm 30 của thế kỷ trước, văn đàn Việt Nam đã có "một vì sao sáng chói", người đã góp phần đưa trinh thám Việt trở nên phổ biến rộng rãi đến với bạn đọc. Với những tiểu thuyết trinh thám - suy luận, trinh thám - mạo hiểm mang đậm nét Việt cùng với sức viết khó ai sánh kịp, ông được mệnh danh là "vua trinh thám Việt Nam".

Điều kiện nào để dòng văn học trinh thám Việt Nam từng vang bóng một thời sẽ hồi sinh? - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (trái) chia sẻ về văn học trinh thám tại Phố sách Hà Nội ngày 25/11

Những tác giả đóng góp vào "thời vàng son" của trinh thám Việt Nam còn có: Bửu Đình, Phú Đức, Nguyễn Chánh Sắt, Bùi Huy Phồn, Thanh Đình Lê Văn Giới, Thế Lữ...

Nhà báo Yên Ba cho biết, ngoài Phạm Cao Củng, tác giả trinh thám để lại dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả cũng như văn học trinh thám Việt Nam phải kể đến Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý, Ông cố vấn của Hữu Mai cùng một vài tác giả khác.

Tuy nhiên, dù đã có một thời vàng son rực rỡ và đã xuất hiện khá lâu nhưng tiểu thuyết trinh thám Việt sau đó dần "phai dấu" trên văn đàn. Hơn nữa, quan niệm cho rằng trinh thám là thứ "văn chương giải trí", "tiểu thuyết ba xu" cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng văn học này.

Điều kiện nào để dòng văn học trinh thám Việt Nam từng vang bóng một thời sẽ hồi sinh? - Ảnh 2.

Bộ sách trinh thám tái bản của nhà văn Phạm Cao Củng thu hút sự quan tâm của độc giả đương đại

Dù văn học trinh thám có những thăng trầm, nhưng thực tế, cho đến nay dòng văn học này vẫn có sức hấp dẫn riêng, vẫn có độc giả riêng. Theo quan điểm của PGS.TS. Trần Văn Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn - Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì văn học trinh thám gắn với đời sống, gắn với con người (trả thù, phạm tội, xô đẩy trong bóng tối…) gắn với những vụ án, có sự giải mã những nguyên nhân, nút thắt… Chính vì vậy văn học trinh thám li kỳ, lôi cuốn và có sức hấp dẫn. Độc giả khi đã bị cuốn vào một bí ẩn thì muốn phải tìm cho ra bằng được lời giải.

Kỳ vọng đánh thức dòng văn học trinh thám

Công ty sách Phúc Minh vừa tái bản series sách trinh thám gồm 5 cuốn của nhà văn Phạm Cao Củng ( Vết tay trên trần, Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát giết người, Nhà sư thọt, Đám cưới Kỳ Phát) với hi vọng sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho sự trở lại của trinh thám Việt Nam, làm sống lại một thuở vàng son của trinh thám Việt.

Đánh giá của Phúc Minh cho rằng bộ truyện trở lại ở thời điểm khi các độc giả trẻ đang quan tâm tới trinh thám Việt nhiều hơn.

Điều kiện nào để dòng văn học trinh thám Việt Nam từng vang bóng một thời sẽ hồi sinh? - Ảnh 3.

Các diễn giả nhận định về văn học trinh thám Việt Nam tại Phố sách Hà Nội

Chia sẻ của đơn vị làm sách này cho biết việc tái bản cũng như quyết định đầu tư cho dòng văn học trinh thám còn gặp một số khó khăn nhất định như: tác giả đã mất, văn phong ngôn ngữ khác so với đương đại, số lượng tác giả trẻ viết trinh thám chưa nhiều…

Với câu hỏi, liệu sự xuất hiện trở lại của những tác phẩm văn học trinh thám một thời có thể mở ra, làm sống lại văn học trinh thám ngày hôm nay hay không, PGS. TS Phạm Xuân Thạch thẳng thắn cho biết, rất khó để biết và nói trước tương lai phía trước của văn học trinh thám Việt. Bởi văn học trinh thám có những cái khó riêng, nó không nương nhờ hay phụ thuộc vào cảm xúc, dễ viết, dễ tiếp nhận như tản văn mà nhiều tác giả trẻ đã và đang viết. Văn học trinh thám đòi hỏi kiến thức rộng, đa ngành, đa lĩnh vực và cả hiểu biết khoa học. Do đó người viết cần phải có sự đầu tư nghề cao.

Tuy nhiên, theo ông Thạch, khi nhiều dòng văn học đang bão hòa, còn dòng văn học trinh thám như mảnh đất đầy tiềm năng bị "bỏ hoang", biết đâu sẽ khiến các tác giả có sự lựa chọn, đầu tư vào văn học trinh thám. Hơn nữa, những tác phẩm của nhà văn Phạm Cao Củng đã để lại nhiều kinh nghiệm, sự chặt chẽ và cả lý thuyết của văn học trinh thám cho các ngòi bút thế hệ sau cũng là một lợi thế.

Tác giả của biên khảo về cuộc chiến tình báo giữa các cường quốc trong Răng sư tử Yên Ba cũng hi vọng Phúc Minh đầu tư cho dòng văn học trinh thám, nhất là với người viết đương đại để cho ra đời tác phẩm chất lượng chắc chắn sẽ có độc giả.

Về phía đơn vị khai thác bản thảo, với mong mỏi đánh thức dòng văn học trinh thám đầy tiềm năng nhưng vẫn còn khoảng trống này, Phúc Minh cho biết sẽ tìm kiếm những bản thảo văn học trinh thám hay nhất, đáp ứng được sự mong mỏi của độc giả đương đại.

Sáng 25/11, tại Phố sách Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu, ra mắt bộ sách trinh thám Thám tử Kỳ Phát của nhà văn Phạm Cao Củng do NXB Công an nhân dân ấn hành. Buổi ra mắt sách đã thu hút đông đảo những nhà văn, nhà nghiên cứu độc giả yêu mến, quan tâm đến văn học trinh thám

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ