• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đong đếm cán cân sức mạnh quân sự Israel và Iran tại chiến trường Syria

Thế giới 11/05/2020 16:33

(Tổ Quốc) - Mặc dù có nhiều thông tin cho biết Iran bắt đầu rút dần khỏi các căn cứ quân sự được cho là của họ ở Syria, một chuyên gia quân sự Israel cho biết còn quá sớm để ăn mừng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị đến Israel vào thứ ba, truyền thông Israel đưa tin. Trong chương trình nghị sự được cho là có đề cập tới hoạt động của Iran dọc biên giới Israel-Syria.

Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông của Israel đã đăng tải nhiều thông tin cho thấy Iran đang có các động thái kết thúc sự hiện diện quân sự trong khu vực, sơ tán một số căn cứ và thu hẹp số lượng nhân viên ở đó. Điều này được cho là do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, hệ lụy từ cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch virus corona gây ra cũng như việc chưa thể hoạt động như thường của lực lượng quân sự Iran sau khi Mỹ vào đầu tháng 1 tiến hành không kích giết chết Tướng Qasem Soleimani, một trong những chỉ huy hàng đầu của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Đoàn kết người Shiite là ưu tiên hàng đầu của Iran

Trong khi báo chí Israel ăn mừng, có một số người bày tỏ sự dè dặt. Avi Dichter, thứ trưởng bộ quốc phòng của Israel, là một trong số đó. Nhận xét về các bản tin trên, ông nói rằng Cộng hòa Hồi giáo "không quá vội vàng" về việc giảm bớt sự hiện diện trong khu vực. Lập trường này cũng được Tiến sĩ Eado Hecht, một chuyên gia quân sự từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat đồng tình. "Người Iran sẽ không dễ dàng từ bỏ các mục tiêu của họ trong khu vực ... điều đầu tiên là xây dựng được một mặt trận người Hồi giáo Shiite thống nhất dưới sự lãnh đạo của họ".

Đong đếm cán cân sức mạnh quân sự Israel và Iran tại chiến trường Syria - Ảnh 1.

Israel luôn canh cánh sức mạnh của Iran trong khu vực. Ảnh: Reuters.

Trục chiến lược này, theo chuyên gia trên, có nghĩa là kết nối các quốc gia có dân số Shiite lớn với nhau, thiết lập một hành lang trải dài từ nước láng giềng Iraq tới các quốc gia có người Hồi giáo Shiite tại Địa Trung Hải như Lebanon và Syria- nơi giới lãnh đạo Alawite có liên kết với Hồi giáo Shiite.

Hướng đi đó đã được vạch ra ngay sau khi kết thúc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979. Tại Iraq, một điểm đến quan trọng của chiến lược trên, Tehran được cho là đã hỗ trợ cho một số lực lượng quân sự để từ đó mang lại cho Cộng hòa Hồi giáo Iran chiều sâu và đòn bẩy trong xã hội và các tổ chức của Iraq. Tehran cũng đã thúc đẩy hoạt động của họ ở Lebanon, nơi lực lượng dân quân người Shiite Hezbollah đã tích lũy được một kho vũ khí ấn tượng, được cho là do Iran cung cấp thông qua Iraq.

Còn tại Syria, hoạt động của Iran đã bị chậm lại do sự miễn cưỡng của giới cầm quyền đất nước này đối với việc cho phép Tehran can thiệp vào đấu trường chính trị đất nước. Nhưng trở ngại đó đã bị xóa bỏ vào năm 2011 với sự bùng nổ của làn sóng Mùa xuân Ả Rập đe dọa trật tự cũ tại Syria.

"Cuộc nội chiến ở Syria đã cho người Iran cơ hội kết nối các hành động của họ ở Iraq với những gì họ làm ở Lebanon. Tổng thống Assad cần tài trợ của Iran và sự hỗ trợ quân sự của họ, vì vậy, ông phải cho phép họ hoạt động ở Syria", ông Hecht giải thích.

Và Iran đã làm như vậy. Theo các phương tiện truyền thông Israel, năm 2018 Iran có mười căn cứ ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Ngoài ra, Cộng hòa Hồi giáo cũng bị cáo buộc đã huấn luyện khoảng 20.000 tay súng Syria với mục đích đảm bảo cho sự tồn tại của chính quyền Assad.

Israel không đủ mạnh?

Tuy nhiên, đối với Israel, sự hiện diện quân sự có chủ đích của một quốc gia từ lâu đã kêu gọi tiêu diệt nhà nước Do Thái này được coi là một lằn ranh đỏ.

Trong những năm qua, đã có nhiều thông tin cho rằng Israel đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Syria, nhắm vào các căn cứ quân sự, kho vũ khí của Iran và các mục tiêu chiến lược khác.

Tuy nhiên, Hecht nói rằng các cuộc tấn công của Israel không có khả năng ngăn chặn Iran. Mà họ chỉ có ý định trì hoãn những nỗ lực củng cố sự hiện diện của Tehran trong khu vực, một sự chậm trễ giúp nhà nước Do Thái có thời gian chuẩn bị tốt hơn, Hecht bình luận.

"Học thuyết an ninh của Israel dựa trên sự hiểu biết rằng chúng ta không bao giờ có thể đánh bại hoàn toàn hoặc tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào, chỉ làm tổn thương chúng tạm thời để ngăn chặn chúng nhằm dành được một khoảng thời gian tấn công chúng ta. Điều này đúng với những kẻ thù yếu hơn Cộng hòa Hồi giáo, vì vậy nó chắc chắn cũng đúng với Iran ".

Hetch khẳng định: Lần này cũng vậy, Israel biết rằng họ sẽ không thể ngăn chặn các hành động của Iran ở biên giới của mình.

"Người Iran kiên nhẫn và đang chơi ván bài dài hạn. Nếu họ di chuyển quân đội ra ngoài, thì đó có lẽ là vì tiết kiệm tiền, vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đang làm tổn thương họ, hoặc vì mục đích che giấu vũ khí của họ. Nhưng bất kỳ trường hợp nào, nếu họ rút khỏi Syria, đó chỉ là tạm thời", ông Hetch kết luận.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ