• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dư âm rồng lửa S-400 Nga, đồn đoán Mỹ giáng đòn "dữ" vào thương vụ F-35 với Thổ

Thế giới 21/03/2019 15:37

(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ có thể sớm đóng băng việc chuẩn bị cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức nói với Reuters.

Động thái này sẽ là tín hiệu mạnh nhất của Washington thể hiện rằng Ankara không thể có cả máy bay tiên tiến và hệ thống phòng không S-400 của Nga, theo Reuters.

Sẵn sàng loạt động thái

Hoa Kỳ đang tiến gần đến một điểm nóng trong cuộc đối đầu kéo dài lâu nay với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, sau khi không thể xoay chuyển ý định của Tổng thống Tayyip Erdogan rằng việc mua một hệ thống phòng không của Nga sẽ gây ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh của máy bay F-35.

"S-400 là một máy tính. F-35 là một máy tính. Bạn sẽ không kết nối máy tính của mình vào máy tính của kẻ thù và đó là những gì chúng tôi sẽ làm", Katie Wheelbarger, quyền trợ lý bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế Mỹ nói với Reuters.

Dư âm rồng lửa S-400 Nga, đồn đoán Mỹ giáng đòn dữ vào thương vụ F-35 với Thổ - Ảnh 1.

Căng thẳng về F-35 có thể đẩy Mỹ - Thổ ra xa hơn. (Nguồn: ET/AFP)

Mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra, các quan chức Hoa Kỳ xác nhận rằng Washington đang xem xét tạm dừng các động thái đang được tiến hành để sẵn sàng giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. F-35 là chiến đấu cơ tiên tiến được chế tạo bởi tập đoàn vũ khí hàng đầu Mỹ Lockheed Martin, theo Reuters.

"Có rất nhiều thứ có thể bị tạm dừng để gửi tín hiệu cho họ (rằng chúng tôi nghiêm túc)", Wheelbarger nói, nhưng không nêu chi tiết các bước đi.

Tuy nhiên, một quan chức khác của Hoa Kỳ cho biết, một trong những biện pháp mà nước này đang xem xét là thay thế một kho chứa động cơ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không cung cấp chi tiết thêm. Quan chức này cho biết, bất kỳ sự thay thế tiềm năng nào có thể sẽ ở đâu đó tại Tây Âu. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có kho chứa đại tu động cơ F-35 ở thành phố phía tây Eskisehir.

Nguy cơ khủng hoảng

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35, đó sẽ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai đồng minh trong nhiều thập kỷ, theo Bulent Aliriza, chuyên gia cấp cao về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS.

Các căng thẳng về mối quan hệ giữa Washington và Ankara đã vượt ra ngoài hợp đồng về F-35, bao gồm chiến lược ở Syria, các lệnh trừng phạt đối với Iran và việc Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ các nhân viên lãnh sự quán Mỹ.

"Điều này (sự bế tắc về F-35) thực sự chỉ là một hiện tượng, không phải là nguyên nhân của vấn đề giữa hai nước," Aliriza nói.

Nhiều quan chức Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện giấu tên, lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang rời xa NATO và quan tâm tới việc tăng cường mối quan hệ giữa Ankara và Moscow. Kì vọng của các nhà thầu hay quan chức Nga về việc có các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi cũng đang có các căn cứ Mỹ và cơ sở thiết bị F-35 còn đang là một điều khó lường đối với nhiều quan chức Hoa Kỳ.

Căng thẳng có thể leo thang hơn nữa. Nếu Ankara tiến tới thỏa thuận Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ bỏ S-400, các chuyên gia cho rằng ông Erdogan có thể đã tự đặt mình vào một thế quá cứng rắn. Ông đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không đảo ngược thỏa thuận về S-400.

Một quyết định đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 sẽ có hậu quả trên diện rộng hơn, vì Ankara giúp sản xuất các bộ phận cho máy bay này, bao gồm các bộ phận của thiết bị hạ cánh, màn hình buồng lái và động cơ máy bay.

Lựa chọn từ Mỹ

Wheelbarger thừa nhận rằng Lầu năm góc, trong bối cảnh bế tắc, đang tìm kiếm khắp nơi các nhà cung cấp thay thế tiềm năng việc sản xuất bộ phận của F-35, kể cả ở các quốc gia NATO khác.

"Đó là việc lên kế hoạch thận trọng cho chương trình... để đảm bảo rằng bạn có sự ổn định trong chuỗi cung ứng của mình", bà nói nhưng không đề cập về đồn đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị loại khỏi chương trình này.

Washington đã tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ Raytheon Co Patriot do Mỹ sản xuất, thay vì S-400. Ông Erdogan đã nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẵn sàng mua các hệ thống Patriot từ Hoa Kỳ nhưng chỉ khi điều kiện phù hợp.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon từng phát biểu, ngoài hệ thống phòng không Patriot, đề nghị của Mỹ còn "bao gồm sự hợp tác quan trọng ở cấp liên chính phủ về việc phát triển hệ thống khí tài tiên tiến".

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập đến hướng đi mua cả S-400 và hệ thống Patriot, Hoa Kỳ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ loại Patriot ra khỏi gói đề nghị nếu Ankara không thay đổi lập trường về S-400.

Giao dịch Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 cũng có thể dấy lên một "cuộc chiến" với Quốc hội Hoa Kỳ, nơi đã chặn tất cả các giao dịch mua bán vũ khí lớn cho Ankara trong khi thỏa thuận S-400 còn đang chờ xử lý.

Các nhà lập pháp Mỹ có thể tái đưa ra các đạo luật cấm chính quyền Trump cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu F-35 nếu nước này tiếp nhận S-400.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ