• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch Hải Phòng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua

Du lịch 25/05/2020 20:08

(Tổ Quốc) - Trong tháng 5 năm 2020, toàn tỉnh Ninh Bình ước đón 89.870 lượt khách; Ngành du lịch Hà Nam chủ động chuẩn bị điều kiện để phục hồi du lịch sau dịch; Du lịch Hải Phòng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua là những thông tin về du lịch nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Du lịch Hải Phòng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua - Ảnh 1.

Khách du lịch Hải Phòng. (Nguồn: Báo An ninh Hải Phòng)

Ninh Bình: Theo thống kê của Sở Du lịch, trong tháng 5 năm 2020, toàn tỉnh Ninh Bình ước đón 89.870 lượt khách (đạt 14,5 % so với cùng kỳ năm 2019).

Trong đó, khách nội địa là 87.550 lượt (đạt 16,1% so với cùng kỳ năm 2019), khách quốc tế là 2.320 lượt (đạt 3,2 % so với cùng kỳ năm 2019); khách lưu trú qua đêm là 6.000 lượt khách (đạt 11,7% so với cùng kỳ năm 2019), khách nội địa là 4.680 lượt (đạt 11,8% so với cùng kỳ năm 2019); khách quốc tế là 1.320 lượt (đạt 11,4 % so với cùng kỳ năm 2019). Doanh thu ước đạt: 38,3 tỷ đồng, đạt 13,4 % so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ước đón 1,337 triệu lượt khách, đạt 26,9% so với cùng kỳ năm 2019, Trong đó: khách nội địa là 1,179 triệu lượt khách, đạt 25,7% so với cùng kỳ năm 2019; khách quốc tế là 158 nghìn lượt, đạt 41,3% so với cùng kỳ năm 2019; khách lưu trú qua đêm 141,2 nghìn lượt, đạt 46,4% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu ước đạt: 729,8 tỷ đồng, đạt 34,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5, Sở Du lịch đã triển khai tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" năm 2020; tuyên truyền cổ động trực quan băngzon, cờ phướn; tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức về nội dung kích cầu du lịch, phục hồi ngành Du lịch sau dịch Covid - 19; biên tập nội dung, xây dựng market sách "Ninh Bình - điểm đến di sản thế giới" và triển khai thực hiện "chuyên mục ẩm thực Ninh Bình" đăng tải trên website và mạng xã hội.

Công tác hỗ trợ khách tại các trạm Hỗ trợ khách được đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đã hỗ trợ cho 1.340 lượt khách (1.147 lượt khách nội địa và 193 lượt khách quốc tế). Hỗ trợ trực tuyến 536 lượt khách qua số hotline và hòm thư điện tử; phối hợp với các bộ phận có liên quan giải quyết phản ánh của du khách tại điểm bến đi Thung Nắng, giúp xây dựng hình tượng hình ảnh du lịch văn minh, an toàn.

Hà Nam: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tại Hà Nam đều gặp khó khăn khi các tour, tuyến bị hủy, gây thiệt hại không nhỏ. Trước thực trạng trên, ngành du lịch cũng như các đơn vị lữ hành ở Hà Nam đã chủ động chuẩn bị điều kiện để phục hồi du lịch sau dịch.

Dịch bệnh không chỉ khiến các công ty lữ hành gặp khó khăn mà các nhà hàng, khách sạn, vận tải… cũng lao đao khi lượng khách sụt giảm mạnh. Theo các cơ quan quản lý ngành du lịch, dự đoán ngành du lịch còn chịu thiệt hại trong nhiều tháng tới.

Đồng hành cùng ngành Du lịch từng bước vượt qua khó khăn, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Nam đã đề ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch, phục hồi, tăng trưởng du lịch sau dịch bệnh.

Ngành Du lịch Hà Nam đã có những chiến lược cụ thể, trong đó ưu tiên tham gia liên kết phát triển du lịch với các tỉnh lân cận và khu vực; thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam năm 2020; tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2025; phát động cuộc thi "Ảnh đẹp Du lịch Hà Nam năm 2020"…

Bên cạnh đó, các công ty du lịch, đơn vị lữ hành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch như xây dựng điểm đến an toàn; xây dựng những gói kích cầu du lịch có giới hạn, thời gian cụ thể, khung giá có thể tăng dần theo thời gian.

Ngoài ra, theo nhiều công ty du lịch, muốn có những gói du lịch giá hấp dẫn để thu hút du khách, hệ thống nhà hàng, khách sạn, các đơn vị vận chuyển phải giảm giá. Nhiều đơn vị kinh doanh đề xuất, Hiệp hội Du lịch tỉnh kiến nghị cơ quan chức năng giảm thuế, phí để họ tiếp tục có những chính sách giảm giá phù hợp... Hy vọng với nhiều giải pháp được triển khai, ngành du lịch Hà Nam sẽ sớm phục hồi.

Hải Phòng: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về hạ tầng du lịch và cạnh tranh của thị trường, du lịch Hải Phòng vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tiếp trong nhiều năm qua. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa, đều hoàn thành kế hoạch đề ra.

Chỉ tính riêng năm 2019, thành phố đón trên 9 triệu lượt khách, tăng 16,4% so với năm 2018 và giữ tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm kể từ năm 2016. Năm 2019, khách quốc tế đạt gần 1 triệu lượt.

Cùng với đó, khối doanh nghiệp, đơn vị hoạt động du lịch có những bước phát triển vượt bậc. Đến thời điểm 31/12/2019, toàn thành phố có 74 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 38 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 14 đơn vị so với năm 2018); 501 cơ sở lưu trú du lịch với 11.781 phòng, trong đó có 04 khách sạn hạng 5 sao (với 845 phòng); 7 khách sạn hạng 4 sao (với 923 phòng). Riêng trong năm 2019, thành phố đã có thêm 36 cơ sở lưu trú du lịch với 1.770 phòng được đưa vào hoạt động, trong đó có 2 khách sạn 5 sao (khách sạn Vinpearl Imperia và khách sạn Mercure), 1 khách sạn 4 sao (khách sạn nghỉ dưỡng Cát Bà).

Trong năm 2019, du lịch Hải Phòng đã xây dựng, triển khai 2 sản phẩm mới. Đó là du thuyền trên vịnh Lan Hạ và thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại Trường Thành Farm và Đảo Bầu, huyện An Lão, theo chiến lược mở rộng không gian và thúc đẩy du lịch mùa thấp điểm thu - đông của thành phố.

Bên cạnh đó, du lịch golf cũng là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn có tốc độ tăng trưởng khá nhanh tại Hải Phòng. Hiện tại thành phố có 3 sân golf đã đưa vào hoạt động. Cùng với du lịch du thuyền và du lịch nông nghiệp, du lịch golf làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch trong năm, góp phần thu hút du khách tới Hải Phòng.

Trong năm 2020, Hải Phòng dự kiến sẽ có thêm 4 dự án khách sạn 5 sao được đưa vào khai thác là Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà, khách sạn Hilton, khách sạn Nikko và khách sạn Pullman.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ngành Du lịch Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do yếu tố khách quan và chủ quan, nhất là trong bối cảnh thế giới và cả nước phải đương đầu với đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay.

Theo Sở Du lịch, để du lịch Hải Phòng tiếp tục phát triển mạnh mẽ cất cánh cao hơn nữa, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội thành phố trong những năm tiếp theo, Ngành Du lịch cùng với việc tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt như: tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường ANTT cho khách du lịch; tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch chủ lực và các sản phẩm mới; đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến...

Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Ngành Du lịch thành phố, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách hiệu quả để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đường không, đường biển, đường sắt; đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại các khu du lịch, đặc biệt là tại trọng điểm du lịch Cát Bà và Đồ Sơn.

Đồng thời, quan tâm đến kết nối chuỗi đầu vào hình thành sản phẩm du lịch (gồm vận tải - lữ hành - lưu trú - dịch vụ khác). Khuyến khích phát triển các dịch vụ, sản phẩm đặc thù, tương xứng với hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại sắp hoàn thành để kéo dài thời gian lưu trú của du khách và gia tăng doanh thu du lịch…

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ