• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Duyên cớ Thổ Nhĩ Kỳ phản đòn người Kurd tại Syria: Thành bại nước cờ Nga?

Thế giới 17/01/2018 17:14

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt tay thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào  người Kurd tại Syria – động thái kéo theo nhiều hệ lụy tới tương quan lực lượng khu vực.

Theo BBC, các kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ gần đây liên tục đăng tải thông tin từ biên giới Syria và công bố nhiều hình ảnh cho thấy việc nước này đang triển khai quân đội, xe tăng và xe bọc thép tại khu vực này.

"Đếm ngược đã bắt đầu đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Afrin (khu vực người Kurd YPG kiểm soát tại miền bắc Syria – giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ)", một kênh truyền hình thân chính phủ cho hay.

Phóng viên của kênh truyền hình này nhấn mạnh rằng, lực lượng quân đội tại biên giới đã chỉ ra những mục tiêu chính phủ nhắm tới tại Syria. Cũng đã có một số thông tin cho biết pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn phá khu vực này.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường lực lượng tại khu vực giáp biên giới với Syria.

Đầu tuần này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết một chiến dịch chống lại người Kurd ở miền bắc Syria sắp diễn ra. "Chúng tôi sẽ lần lượt thoát khỏi những tổ chức khủng bố ở Syria, với điểm khởi đầu ở Afrin và Manbij," ông nói.

Thông báo của ông Erdogan theo sau quyết định của Mỹ về việc thành lập một lực lượng an ninh biên giới mới, có thể lên tới 30.000 người, chủ yếu là các chiến binh người Kurd YPG. Lực lượng này bị Ankara coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và là cánh tay nối dài của nhóm chiến binh PKK – đã dấy lên xung đột ở phía đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn ba thập kỷ qua.

Một cuộc tấn công nhắm tới Afrin sẽ là hoạt động mở rộng của chiến dịch Lá chắn Euphrates – trước đó đã được thực hiện nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và lực lượng người Kurd Syria. Chiến dịch này đã đưa khu vực -từ Azaz đến Jarablus tại Syria nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Chiến dịch kéo dài 8 tháng này đã chính thức kết thúc vào tháng 3/2017.

“Gia tăng lo ngại”

"Chiến dịch Lá chắn Euphrates bắt đầu trong bối cảnh trước đó, một chiếc máy bay của Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ - điều khiến quan hệ Nga – Thổ chìm vào căng thẳng. Lúc đó, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ với lực lượng YPG cũng đang gia tăng mạnh mẽ và Ankara ngày càng cảm thấy họ đã bị đẩy ra khỏi cuộc chơi ở miền bắc Syria," Metin Gurcan, một chuyên gia quân sự, nói.

"Nhờ có Lá chắn Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể quay trở lại Syria. Hiện tại, thời điểm diễn ra cuộc chiến nhắm vào Afrin nên được nhìn nhận theo cách tương tự. Ankara giờ đang cảm thấy ngày càng bị cô lập", theo Gurcan.

Khu vực Afrin được tách biệt khỏi các khu vực khác do người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria. Một trong những mối quan tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn cản việc thiết lập một "hành lang người Kurd" dọc biên giới với họ.

Nhiều người tin rằng quyết định của Hoa Kỳ trong việc thành lập một lực lượng an ninh biên giới, chủ yếu là người Kurd tại Syria, là nguyên nhân trực tiếp đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới thực hiện chiến dịch Afrin.

Ahmet Kasim Han, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế nói: "Nếu Hoa Kỳ thực sự tạo nên một lực lượng biên phòng như vậy, điều này sẽ tạo nên một tương quan hoàn toàn khác ở Syria". "Điều này sẽ dẫn tới một quá trình - có thể kết thúc bằng việc hình thành một nhà nước YPG-PKK ở phía bắc của Syria. Washington nên hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ có phản ứng."

Chiến dịch quân sự nhằm vào Afrin dự kiến sẽ được thực hiện cùng với các tay súng phe đối lập Syria, như trường hợp của Lá chắn Euphrates. Hoạt động  này được cho là sẽ bắt đầu với việc các đơn vị pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa và phủ đầu khu vực, tiếp theo là các đơn vị nổi dậy tiến vào, theo sau là các lực lượng trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Mối quan hệ mới”

Tuy nhiên, Metin Gurcan cũng đưa ra nhận định rằng một chiến dịch đổ bộ mà không có sự hậu thuẫn của không quân sẽ khiến tình hình trở nên rất phức tạp đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tin rằng đó là lý do tại sao sự cần thiết phải giành được lập trường ủng hộ của Nga đối với chiến dịch trên trở nên rất quan trọng.

"Nga cần phải mở không phận của họ cho hoạt động này, nếu không chiến dịch này có thể rất “tốn kém””.

Ông nói: "Ngoài ra, còn có khoảng 300 lính Nga ở Afrin. Nếu Nga bật đèn xanh, thì lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ có thể “xóa sổ” Afrin trong một ngày. Nếu không được như vậy thì chiến dịch này có thể biến thành một cơn ác mộng".

Ahmet Kasim Han cũng nhất trí rằng, một hoạt động quân sự mà không có sự chấp thuận của Nga sẽ rất tốn kém đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, sự chấp thuận của Moscow cũng có thể kéo tới những hệ lụy rất nghiêm trọng.

Ông Han nói: "Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thoả thuận với Nga (điều được cho là khó xảy ra), cùng với sự chấp thuận ngầm của chính quyền Syria, đây sẽ là một sự kiện bước ngoặt trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ với Nga mà còn với phương Tây.

Ông cho hay: "Nếu chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn đến Nga, chúng ta có thể bắt đầu nói về một trật tự thế giới mới và một mối quan hệ hoàn toàn mới giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ