• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặt hái nghèo nàn của Ngoại trưởng Tillerson

Thế giới 20/03/2017 12:56

(Tổ Quốc) - Chính quyền Trump không chắc sẽ tìm kiếm tiếp cận mới cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới vùng “tuyến lửa” của châu Á. Đây là một thử thách lớn đối với một doanh nhân trở thành nhà ngoại giao. Triều Tiên nổi lên như vấn đề chính, vào lúc Bình Nhưỡng đang chơi điệu van-xơ quen thuộc trên sàn nhảy của các nước lớn.

 Các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đã làm nóng vấn đề Triều Tiên. Tại Bắc Kinh,  Rex Tillerson nói với Vương Nghị, tình trạng hạt nhân ở Triều Tiên đã đến “ngưỡng nguy hiểm”. Nhằm tạo thêm áp lực với Trung Quốc, ngày 17/3, ông Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân: “Bắc Triều Tiên đã hành xử vô cùng tồi tệ. Họ “chơi” Mỹ từ nhiều năm nay. Nhưng Trung Quốc chỉ làm rất ít để giúp giải quyết chuyện này”.

Chưa thấy cách tiếp cận mới cho vấn đề Triều Tiên

Tại Nhật Bản, Rex Tillerson kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, rằng Triều Tiên “không phải sợ Mỹ và các nước láng giềng vì các nước đều muốn sống hòa bình với Triều Tiên”.

Nhưng sau khi thăm Khu vực Phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên và khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc, Rex Tillerson tuyên bố, chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama trước các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đã chấm dứt. Ông  này nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu một loạt biện pháp an ninh và ngoại giao mới. Tất cả các lựa chọn đang được đưa ra thảo luận”. 

Đề cập đến các vụ thử tên lửa gần đây, Tillerson nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: “Trước sự leo thang của mối đe dọa này, rõ ràng cần một cách tiếp cận khác biệt”. “Giải pháp quân sự nằm trên bàn”.

Các bình luận rải rác của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ trong chuyến thăm 3 nước Đông Bắc Á báo hiệu về ý đồ thực hiện một sự thay đổi to lớn trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên.

Rex Tillerson thừa nhận 20 năm qua các nỗ lực ngoại giao của Mỹ để phi hạt nhân hóa Triều Tiên đều thất bại.

Mỹ không tán thành lời kêu gọi của Trung Quốc nối lại vòng đàm phán 6 bên mà Washington cho là vô bổ.

Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh đã họp báo, cũng nhận xét rằng gợi ý của Ngoại trưởng Trung Quốc là “vô nghĩa” khi ông này nói rằng Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận, Triều Tiên ngừng thử tên lửa, để các bên ngồi lại đối thoại với nhau.

Ngoài việc duy trì lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, các bên không có nhiều quân bài trong tay.

Những vụ thử hạt nhân và tên lửa trong năm qua cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân có khả năng chiến đấu thực tế. Vấn đề này sớm hay muộn các lực lượng bên ngoài không thể ngăn chặn được. Tấm gương của Saddam Hussein và Gaddafi khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên không thể tin bất kỳ cam kết nào của Mỹ về sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên tin rằng chỉ có vũ khí hạt nhân thực chiến mới bảo đảm sự răn đe chiến lược duy trì sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng. Nhật Bản và Hàn Quốc đều rất phát triển, một khi xảy ra chiến tranh, thị trường tài chính sẽ lập tức sụp đổ. Hai nước này không muốn phải chịu những tổn thất chiến tranh. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không ra đòn trước, Mỹ cũng sẽ không tự mình ra đòn.

Trung Quốc cũng bất lực

Việc Mỹ quá tin tưởng Trung Quốc có thể ép Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân là một ảo tưởng. Triều Tiên không nghe theo Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng không thể đoạn tuyệt với người láng giềng thường xuyên gây khó chịu. Đối với Trung Quốc, vũ khí hạt nhân không tạo ra sự đe dọa đáng kể gì. Mặc dù người Trung Quốc rất khó chịu vì địa điểm thử hạt nhân chỉ cách biên giới Trung Quốc 100 km. Trong tình hình tiến thoái lưỡng nan, Bắc Kinh đành hành động theo phương châm “thuận theo tình thế mà làm”.

Vấn đề lớn nhất trong hành xử đối ngoại của chính quyền Trump vẫn là ứng phó thế nào trước thách thức từ Trung Quốc, mà chính quyền Trump xác định là đối thủ số 1 của Mỹ. Từ mấy chục năm nay cho đến khi ông Trump trúng cử tổng thống, các chính quyền Mỹ tưởng rằng Mỹ hiểu Trung Quốc nhưng thực ra đã không hiểu Trung Quốc, tưởng rằng Mỹ dẫn dắt cuộc chơi nhưng thực ra là bị dẫn dắt. Ông Trump đã nhận ra Mỹ đã chơi các ván bài dưới cơ Trung Quốc và tỏ ra quyết đảo ngược cuộc cờ, giành lại thế thượng phong, thu được các lợi ích kinh tế, phục vụ “Nước Mỹ trên hết”. Nhưng sự kiên trì và khôn khéo của người Trung Quốc cuối cùng đã buộc chính quyền Trump phải tổ chức cuộc gặp cấp cao sớm hơn dự kiến.

 Chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Tillerson là để mở đường cho cuộc gặp cấp cao Donald Trump-Tập Cận Bình tại Florida. Trung Quốc dường như có một số nhượng bộ thương mại. Chưa rõ, người Trung Quốc đã trả giá gì để có cuộc gặp? Ai sẽ là bên dẫn dắt cuộc chơi?

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ