• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia đình cần được bảo vệ bởi những giá trị cốt lõi trong quá trình hội nhập quốc tế

Văn hoá 14/08/2023 10:33

(Tổ Quốc) - Gia đình là đơn vị nhỏ nhất- là tế bào của xã hội, bảo vệ các giá trị cốt lõi của gia đình cũng chính là bảo vệ những giá trị cốt lõi của xã hội ấy. Trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế, việc bảo vệ các giá trị cốt lõi của gia đình trước sự thay đổi trong quan niệm và lối sống của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, là vấn đề cần thiết.

Gia đình cần được bảo vệ bởi những giá trị cốt lõi trong quá trình hội nhập quốc tế - Ảnh 1.

Hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc

Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam (2014) chỉ rõ, gia đình với các chức năng cơ bản là chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục, chức năng kinh tế. Trong xã hội hiện đại, gia đình cần được xây dựng, bảo vệ và phát triển dựa trên 4 giá trị cốt lõi của hệ gia đình.

Tại Hội thảo khoa học "Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" được tổ chức hồi cuối tháng 11/2022, một lần nữa, hệ giá trị gia đình được khẳng định là một thành tố quan trọng cấu thành nên hệ giá trị quốc gia. Trong đó, hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo này đã làm rõ vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các giá trị này trong xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.

Nhấn mạnh về 4 giá trị cốt lõi trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL cho rằng, để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Mặt khác, việc dành sự ưu tiên khác nhau đối với các giá trị cũng quyết định đến đời sống văn hóa ứng xử và sự phát triển của mỗi gia đình.

Từ thực tế này, TS. Trần Tuyết Ánh khẳng định, đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại, vượt bậc, nhưng những giá trị như: giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hóa gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống không gì có thể thay thế được. Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội, bảo đảm cho dòng chảy phát triển bền vững của đất nước, cũng là yếu tố đầu và quan trọng để triển khai chính sách, thụ hưởng chính sách.

TS. Trần Tuyết Ánh cho rằng, việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc, thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng là chính là nền tảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Xã hội ngày nay phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc hội nhập quốc tế là một tất yếu, việc xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dựa trên các giá trị của gia đình chính là gốc rễ của phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy những yếu tố truyền thống tích cực, tiếp thu những yếu tố mới sẽ giúp giá trị gia đình được gắn kết, đảm bảo, đồng thời nâng cao giá trị của gia đình Việt trong thế giới phẳng. Trong quá trình hội nhập quốc tế, cần thiết phải củng cố, khẳng định lại những giá trị truyền thống của gia đình Việt, những giá trị nào cần giữ gìn, bảo tồn, phát huy (như các yếu tố truyền thống, thuần phong mỹ tục), cái gì cần loại bỏ (như tư tưởng trọng nam khinh nữ, giáo dục con cái bằng bạo lực…), đồng thời xác định các giá trị mới đang hình thành để có cách uốn nắn, điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Khi xã hội phát triển, việc tiếp cận với các quốc gia phát triển trên thế giới không còn là việc khó khăn, chính sự dễ dàng được giao lưu, học tập tại các đất nước này khiến cho giới trẻ ngày nay định hình những quan niệm sống, lối sống hiện đại. Bảo vệ những giá trị cốt lõi của gia đình Việt qua sự trao chuyền giữa các thế hệ, nhất là cho giới trẻ, về truyền thống gia đình, sự "kính trên nhường dưới", anh em hoà thuận, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, con cái được dạy bảo sao cho khi trưởng thành hiểu và giữ được 5 đức tính nhân-lễ-nghĩa-trí-tín, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ… bên cạnh đó, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để bắt kịp với trình độ thế giới chính là thành trì vững chắc để trong tương lai, chúng ta có thể "hoà nhập", phát triển cùng thế giới mà không bị "hoà tan".

Phương Anh (T/h)


* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ