• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giằng co đổ lỗi COVID-19 đẩy họp Hội đồng Y tế Thế giới vào thế "nín thở"

Thế giới 18/05/2020 11:05

(Tổ Quốc) - Hội đồng Y tế Thế giới là một cuộc họp thường niên của các quan chức y tế cấp cao chính phủ tại Geneva, Thụy Sỹ. Thông thường, sự kiện không nhận được quá nhiều sự chú ý ngoại trừ từ những chuyên gia trong ngành y tế.

Tuy nhiên, hội nghị vào thứ Hai tuần này (18/5) có lẽ sẽ hoàn toàn khác biệt. Đại dịch virus corona mới không chỉ khiến ít nhất 300.000 người thiệt mạng và đem tới nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, mà nó còn "thổi bùng" lên leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Một "nạn nhân' bị mắc kẹt trong cuộc tranh cãi trên chính là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO là một cơ quan của Liên Hợp Quốc trong khi hội đồng ở Geneva vận hành như một bộ phận đưa ra quyết định của tổ chức này.

"Bên làm hỏng chuyện ở hội nghị năm nay, tôi nghĩ sẽ là Mỹ", ông Mukesh Kapila, một cựu cố vấn cho tổng giám đốc đời trước của WHO nhận định. Ông Kapila từng làm việc tại nhiều cơ quan khác của Liên Hợp Quốc và chính phủ Anh trong suốt sự nghiệp 30 năm của mình.

"Họ [Mỹ] có thể sử dụng diễn đàn này để công khai công kích Trung Quốc và, tất nhiên là cả sự lãnh đạo của WHO – trong thực tế, tôi chắc chắn rằng họ sẽ làm vậy", cựu cố vấn và hiện đang giảng dạy về các vấn đề y tế và nhân đạo toàn cầu tại Đại học Manchester, Anh nói.

Giằng co đổ lỗi COVID-19 đẩy họp Hội đồng Y tế Thế giới vào thế "nín thở" - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: getty imgaes)

Đáng nói là, những dự đoán của ông Kapila chỉ có thể thành sự thật nếu Mỹ đồng ý xuất hiện tại cuộc họp.

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ngừng viện trợ cho WHO, đồng thời từ chối tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến gần đây do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì, nhằm gây quỹ toàn cầu cho phát triển vaccine và phương thức điều trị COVID-19.

Sứ mệnh của WHO là cố vấn 194 thành viên của mình nhưng lại không có thực quyền để ép buộc thực thi các chính sách y tế. Các cuộc họp hội đồng của WHO thường giải quyết một loạt các vấn đề y tế toàn cầu, nhưng lần này, trọng tâm của hội nghị trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: COVID-19.

EU đã dự thảo một nghị quyết với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế về phát triển vaccine, phương thức điều trị, xét nghiệm và thiết bị y tế. Nhiều nhà quan sát kỳ vọng sẽ có bên đứng lên kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona mới. Không nghi ngờ gì, điều này chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phản đối.

Tuy nhiên, nhìn vào mức độ căng thẳng chính trị hiện tại, sự chú ý mang tính toàn cầu chưa từng có cũng như thực tế là hình thức họp trực tuyến sẽ không cho các hoạt động ngoại giao vào giờ nghỉ giải lao có cơ hội phát huy – rất khó khẳng định cuộc họp hội đồng năm nay sẽ diễn ra chính xác như thế nào.

"Chúng tôi thực sự đang ở trong một lãnh thổ chưa được ghi trên bản đồ", ông Charles Clift, một cố vấn của WHO và chính phủ Anh ví von. "Chúng tôi không biết Mỹ sẽ cư xử ra sao và liệu họ có nói những thứ mang tính kích động hay không khi mà giờ đây Mỹ và Trung Quốc giống như đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh". Ông Clift hiện đang là một học giả tư vấn cấp cao của tổ chức chính sách Chatham House tại London.

Trong đại dịch COVID-19, có rất nhiều lời buộc tội đang tồn tại.

Theo một số chuyên gia, Tổng thống Trump đã quá chậm trong việc chuẩn bị cho nước Mỹ, và giờ đây quốc gia này đang phải đối mặt với viễn cảnh mất đi thêm nhiều sinh mạng vì vội vàng tái mở cửa nền kinh tế.

Ông Trump đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng cáo buộc Bắc Kinh nhưng ông không phải là người duy nhất cho rằng giới chức Trung Quốc đã che giấu thông tin trong giai đoạn virus mới bùng phát tại Vũ Hán cũng như không cung cấp số liệu chính xác về người nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc.

Bắc Kinh đương nhiên kiên quyết phủ nhận những cáo buộc trên. Giữa tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói với báo giới, "một lời nói dối cho dù được nhắc lại một nghìn lần vẫn là một lời nói dối. Chúng ta nên nhìn vào sự thực".

Mỹ và Trung Quốc cũng mâu thuẫn với nhau xung quanh liệu Đài Loan có được tham gia họp Hội đồng Y tế Thế giới hay không. Bắc Kinh coi Đài Loan thuộc về Trung Quốc và khẳng định, Đài Bắc chỉ có thể gia nhập WTO nếu chấp nhận là một phần của Trung Quốc. Trong khi đó, Washington ủng hộ Đài Loan. Đại sứ Mỹ tại Geneva tuyên bố, Bắc Kinh chỉ muốn thành công của Đài Loan trong cuộc chiến chống COVID-19 "không được chia sẻ nhằm tránh bị đem ra so sánh".

Mũi dùi cũng chĩa về phía WHO. Mặc dù không thể hiện thái độ cứng rắn như Tổng thống Trump nhưng không ít chuyên gia cảm thấy, tổ chức y tế đã quá tin tưởng vào Bắc Kinh.

Rất nhiều người nhận xét, WHO đã làm rất tốt khi đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi: kêu gọi cả thế giới đồng lòng cho những phản ứng trước đại dịch. Tuy nhiên, ngay cả những người này cũng không phủ nhận các sai lầm của WHO.

"Rõ ràng đã có sự buộc tội và nó cần phải được trả lời", ông Kapila nói về cáo buộc WHO có liên quan tới chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc. "Tôi không biết gì về câu trả lời cho tới khi chúng ta thực hiện một cuộc điều tra độc lập".

Còn theo ông Karol Sikora, một cựu cố vấn khác của WHO, hội đồng phải đưa ra một nghị quyết bao gồm "nhiều định hướng hơn từ WHO".

"Các tham vấn của họ không mang tính quy tắc trong khi đó là những gì các chính phủ cần", ông Sikora chỉ ra. "Họ cần phải có các câu trả lời rõ ràng về những thứ như khẩu trang, giãn cách, di chuyển quốc tế và trường học".

Những người khác tỏ ra không quá lạc quan. "Tất cả những gì họ có thể làm là thông qua các nghị quyết", ông Clift nói. "Điều đó có một ảnh hưởng khá gián tiếp lên những gì đang xảy ra trong thế giới thực.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ