• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giới thiệu Di sản văn hóa Kon Tum, Sâm Ngọc Linh "Báu vật đại ngàn" giữa lòng Hà Nội

Văn hoá 16/01/2019 22:42

(Tổ Quốc) - Trưng bày, triển lãm chuyên đề "Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn" sẽ giới thiệu đến công chúng Thủ đô những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của mảnh đất Kon Tum.

Triển lãm kéo dài một năm

UBND tỉnh Kon Tum và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề "Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn" tại Bảo tàng số 216 Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm diễn ra ngày 20/1/2019 và sẽ kéo dài trong vòng một năm.

Tại Trưng bày, tỉnh Kon Tum sẽ giới thiệu một cách khái quát về văn hóa, thiên nhiên và những sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến đông đảo công chung thông qua 200 hiện vật bao gồm: các nông cụ lao động; dụng cụ săn bắn, đánh bắt; đồ dùng sinh hoạt gia đình; ghè (ché), nồi đồng; trang phục, trang sức; nhạc cụ; tài liệu khoa học... Trình diễn nghề thủ công truyền thống như nghề làm gốm của người Ba Na; nghề nhuộm sợi, dệt vải dân tộc Xơ Đăng; đan lát; chế tác dụng cụ săn bắn, đánh bắt và chế tác nhạc cụ; nghề rèn. Trình diễn các làn điệu dân ca, múa xoang, cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống... cũng được giới thiệu tại Trưng bày.

Giới thiệu Di sản văn hóa Kon Tum, Sâm Ngọc Linh Báu vật đại ngàn giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

BTC họp báo thông tin về Trưng bày di sản văn hóa Kon Tum, Sâm Ngọc Linh "Báu vật đại ngàn"

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được chú trọng, quan tâm. Đến nay, Kon Tum đã có hơn 223 di tích, trong đó có 05 di tích cấp Quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh, 01 di tích đặc biệt và 202 di tích đang hoàn chỉnh hồ sơ trình các cấp thẩm định đang đề nghị xếp hạng.

Tỉnh Kon Tum cũng bảo quản hơn 1.800 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo tồn và phục dựng được 28 lễ hội truyền thống, khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc được chú trọng.

Cùng với đó là các loại nhạc cụ dân tộc, trình diễn các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số như Hát K'đò, Đọ Ka Panh, Cha Pơ Le của dân tộc Giẻ - Triêng; điệu ting ting, hát A Cheo (Hát giao duyên) của dân tộc Xơ Đăng; Gia Rai, Ba Na có điệu H'rí, H'Vơng…

Sự phong phú, đa dạng, sự hấp dẫn ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum và Tây Nguyên nói chung đã góp phần tạo nên vườn hoa muôn màu, muôn sắc trong cái nôi văn hóa Tây Nguyên. Tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, bảo tồn, phát huy và làm phong phú hơn nền văn hóa đa dân tộc, góp phần đưa văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giới thiệu Di sản văn hóa Kon Tum, Sâm Ngọc Linh Báu vật đại ngàn giữa lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Nhiều di sản văn hóa của Kon Tum được giới thiệu tại Trưng bày di sản văn hóa Kon Tum, Sâm Ngọc Linh "Báu vật đại ngàn"

Mảnh đất được thiên nhiên ban tặng "báu vật"

Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi cùng các yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên nguồn tài nguyên hết sức đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tỉnh Kon Tum có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 2/3 diện tích tự nhiên, với độ che phủ của rừng chiếm 62,3% đã tạo nên nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế và kinh tế như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Ngũ Vị tử, Đương quy, Lan Kim Tuyến, Sa nhân, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ và các loại nấm dược liệu.

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh được biết đến là cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh. Kể từ khi được phát hiện tại vùng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum vào năm 1973, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ cũng công nhận Sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia. Từ những giá trị kinh tế, giá trị dược liệu đặc hữu, quý hiếm, sâm Ngọc Linh trong tự nhiên đã bị khai thác gần như cạn kiệt, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như phát triển thương mại hóa sản phẩm để tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Để giới thiệu tiềm năng và những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn, phát triển dược liệu địa phương, trong đợt triển lãm lần này, tỉnh Kon Tum cũng tổ chức giới thiệu về các dược liệu quý, các sản vật của núi rừng Kon Tum, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các sản phẩm từ sâm.

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con, hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh là sản phẩm quý hiếm mà trên thế giới chỉ có ở Việt Nam. Và cả nước cũng chỉ có hai tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam là vùng có cây sâm Ngọc Linh.

Giới thiệu Di sản văn hóa Kon Tum, Sâm Ngọc Linh Báu vật đại ngàn giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Sâm Ngọc Linh- báu vật thiên nhiên ban tặng mảnh đất Kon Tum

Theo ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: "Sâm Ngọc Linh được coi là quốc bảo. Do những tính chất đặc biệt nổi trội của cây sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế của loại dược liệu này, trên thị trường đang trở nên "nóng bỏng" với giá trị sử dụng được xem là vượt trội hơn so với các loại Sâm trên thế giới, đến nay cây sâm đã trở thành cây trong danh mục sách đỏ của Việt Nam (năm 1994). Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn bảo tồn được nguồn gien quý hiếm của đất nước".

Tại Trưng bày lần này, sẽ có trưng bày thực cảnh thể hiện quy mô, hình ảnh chân thực về Sâm Ngọc Linh, môi trường sống, giá trị của Sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: "Trưng bày Di sản văn hóa, Sâm Ngọc Linh- Báu vật đại ngàn là trưng bày chúng tôi rất tâm đắc. Trưng bày có giá trị rất cao về giá trị bảo tàng học, giá trị văn hóa. Lễ khai mạc Trưng bày được tổ chức một cách sống động bằng sự thể hiện không gian văn hóa Cồng chiêng của những nghệ nhân đến từ Kon Tum. Triển lãm cũng được thể hiện mang tính tương tác cao với nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ hiện nay, tạo hiệu ứng sống động, ấn tượng để tăng cường tương tác, trải nghiệm, phục vụ khách tham quan.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum cho biết, đây là lần đầu tiên có một trưng bày, giới thiệu, quảng bá đầu đủ và toàn diện các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Kon Tum và giá trị đặc biệt của Sâm Ngọc Linh- "quốc bảo Việt Nam" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với loại hình trưng bày mới, hấp dẫn./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ