• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giúp người dân nâng cao thu nhập nhờ giữ gìn, phát triển nghề may đo áo dài Huế

Văn hoá 24/11/2023 13:34

(Tổ Quốc) - Áo dài là một trong nhiều thành tố góp phần tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Huế. Vừa qua, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" đã mở ra những hướng phát triển mới cho nghề may đo áo dài tại địa phương này.

Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của Cố đô Huế với lịch sử hình thành hơn 300 năm. Song song cùng quá trình phát triển của tà áo dài, phải kể đến nghề may đo áo dài, một nghề nghiệp khá đặc trưng và nổi bật tại Huế.

Nhà thiết kế Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội May mặc tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, áo dài Huế có nét đặc trưng riêng biệt so với những nơi khác bởi sự trau chuốt từ bàn tay của những người thợ may và đội ngũ thiết kế được truyền thừa tinh hoa từ các Chúa Nguyễn cho đến bây giờ. Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được người thợ chăm chút thận trọng. Chiếc áo dài theo đó không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị văn hóa Huế.

Người dân nâng cao thu nhập nhờ giữ gìn, phát triển nghề may đo áo dài Huế - Ảnh 1.

Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của Cố đô Huế.

Hiện nay, tại Huế có hàng trăm cơ sở may đo áo dài lớn nhỏ, trong đó có nhiều thương hiệu có tiếng như: Quang Hòa, Đoan Trang, Thảo Trang, Thẩm, Minh Tân, Viết Bảo, Bích Thủy, Xuân Thi…. Đội ngũ thợ may áo dài Huế cũng hùng hậu với hàng trăm người, trong đó có nhiều nghệ nhân lành nghề là truyền nhân nhiều đời của các thương hiệu áo dài Huế nổi tiếng. Sự duy trì và phát triển của các cơ sở may đo áo dài trên địa bàn đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, cung cấp sản phẩm áo dài cho người dân, du khách.

Có thể nói, di sản nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế là nguồn tài sản vô giá, có tiềm năng quan trọng góp phần định vị điểm đến, thu hút du khách trong và ngoài nước đến Huế để mua sắm và trải nghiệm.

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài". Theo đề án, đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch; Hoàn thiện hồ sơ "Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế" đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Người dân nâng cao thu nhập nhờ giữ gìn, phát triển nghề may đo áo dài Huế - Ảnh 2.

Các nghệ nhân thao diễn nghề may đo áo dài tại Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023.

Việc triển khai đề án này được kỳ vọng sẽ phát triển các ngành nghề: du lịch, thương mại, lưu trú, ẩm thực.. đặc biệt là nghề may đo áo dài ở Huế. Qua đó, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

"Thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực quảng bá giá trị của tà áo dài Huế, điều này tác động tích cực đến du lịch và những ngành nghề liên quan. Du khách đến Huế tìm may, thuê áo dài nhiều hơn đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người làm nghề may đo, kinh doanh áo dài. Bên cạnh đó đã phát triển một sản phẩm dịch vụ du lịch hết sức độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh của Huế", bà Trần Thị Loan, tiểu thương chợ Đông Ba chia sẻ.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai thực hiện Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình thiết kế, tạo mẫu, sản xuất, cung ứng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm áo dài Huế đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế.

Người dân nâng cao thu nhập nhờ giữ gìn, phát triển nghề may đo áo dài Huế - Ảnh 3.

Áo dài hiện là sản phẩm dịch vụ du lịch đặc sắc được du khách rất quan tâm khi đến Huế.

Cùng với áo dài, có thể thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống liên quan như sản xuất nguyên vật liệu, nghề dệt may, sản xuất các loại trang sức, phụ kiện hỗ trợ. Đây chính là cách phát triển công nghiệp sáng tạo, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.

"Năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, Huế đón 4,9 triệu lượt khách. Chỉ lấy khiêm tốn con số khoảng 10% du khách đến Huế, mỗi người may một bộ áo dài thì Huế đã bán được 490.000 bộ. Chỉ tính trung bình mỗi bộ áo dài giá 1 triệu đồng thì đã có doanh thu 490 tỷ đồng.

Huế phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách. Nếu nhân với các con số khiêm tốn tương tự thì sẽ có doanh thu trung bình mỗi năm là 700 tỷ đồng từ công nghiệp áo dài, còn nếu xây dựng thành công thương hiệu "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" để 30-40% du khách đến Huế may áo dài thì doanh thu từ sản phẩm này có thể đạt từ 2.100 -2.800 tỷ đồng.

Đó là chưa kể rất nhiều các loại phụ kiện, trang sức kèm theo chiếc áo dài. Ngoài ra, công nghiệp sáng tạo liên quan đến áo dài còn mở ra nhiều khía cạnh khác như sản phẩm lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật…", ông Phan Thanh Hải đưa ra ví dụ.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ