• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Hàn gắn” Trung, Hàn về Triều Tiêu: Loé tín hiệu nhưng vẫn mờ mịt

Thế giới 19/12/2017 08:05

(Tổ Quốc) - Đã có những dấu hiệu tích cực trong việc “phá băng” mối quan hệ Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.  

Tờ South China Morning Post nhận định, những tiến triển trong tuần qua được đánh giá là một bước ngoặt trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là sau khi mối quan hệ này trở nên căng thẳng với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Hôm Thứ Bảy (17/12), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kết thúc chuyến công du đến Trung Quốc. Hai quốc gia đồng ý thực hiện những nỗ lực chung, nhằm đạt được một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bày tỏ kỳ vọng về một “mùa xuân” sắp tới trong quan hệ giữa hai nước. “Chúng tôi cũng muốn quan hệ Trung Quốc và Hàn Quốc tiến lên phía trước một cách ổn định và tốt đẹp,” ngài Thủ Tướng nói.

Mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh bắt đầu xuống dốc gần một năm trở về trước, sau khi Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai tại Hàn Quốc. Lầu Năm góc tuyên bố, việc triển khai THAAD nhằm chuẩn bị đối phó với mối đe doạ hạt nhân và tên lửa đến từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại kiên quyết cho rằng, THAAD có thể đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, và hệ thống này trở thành hiện thực sẽ không giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đáp trả lại, Bắc Kinh cũng đã áp dụng các lệnh cấm vận lên các công ty Hàn Quốc làm việc tại Trung Quốc, hạn chế phát sóng các nội dung âm nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc tại nước này, cũng như cấm người dân Trung Quốc sang Hàn Quốc du lịch…

Hồi cuối tháng Mười, Hàn Quốc và Trung Quốc đã đồng ý phục hồi lại quan hệ và bình thường hoá các trao đổi thương mại và kinh doanh.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất bộ bốn nguyên tắc, để có thể tìm ra một giải pháp hoà bình cho bán đảo Triều Tiên thông qua thương lượng. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đồng ý sẽ làm việc với Seoul để gia tăng áp lực, buộc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.

Cheng Xiaohe, Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, Bắc Kinh đã chỉ ra điểm thay đổi nổi bật trong chính sách của Bắc Kinh.

“Trước đây không có một sự nhất trí như vậy giữa Trung Quốc và Hàn Quốc,” ông Cheng nói với South China Morning Post. “Giờ đây, dường như Trung Quốc đã có một số thay đổi trong lập trường của mình về việc gây sức ép lên Triều Tiên, và thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc – đây là những gì mà Hàn Quốc mong muốn”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cần nhiều hơn thời gian để xoa dịu bất đồng

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cũng cảnh báo rằng, đối với Trung Quốc và Hàn Quốc, cần phải có thời gian để vượt qua được sự bất đồng.

So sánh với chuyến thăm Trung Quốc của người tiền nhiệm ông Moon, bà Park Geun-hye vào năm 2013 – khi truyền thông Đại lục ngập tràn tin tức về vị Tổng thống Hàn Quốc có thể nói tiếng Phổ thông; thì lần này, Bắc Kinh dường như tiết chế hơn rất nhiều.

Một số nguồn tin cho biết, truyền thông Trung Quốc được chỉ đạo phải “thận trọng” khi đưa tin về các hoạt động của Tổng thống Moon tại Trung Quốc, và một số hãng truyền thông đã bị từ chối không được tham dự buổi nói chuyện của ông Moon tại Đại học Bắc Kinh vào sáng thứ Sáu (15/12). 

Những nỗ lực ngoại giao cũng đã bị che lấp bởi một cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Trung Quốc và các nhà báo Hàn Quốc hôm thứ Năm, dẫn đến hai nhà báo Hàn Quốc bị thương phải đưa vào bệnh viện. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu tiến hành điều tra vụ việc này.

Ngoài ra, Bắc Kinh được cho là sẽ không từ bỏ lập trường của mình về việc triển khai THAAD.

Theo ông Lee Jung-nam, một chuyên gia về Trung Quốc tại Việc nghiên cứu Châu Á của Đại học Hàn Quốc, điều này có thể sẽ dẫn đến việc Hàn Quốc bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Lee nhận định, xét về khía cạnh kinh tế, Trung Quốc và Hàn Quốc đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu, nhưng cái còn quan trọng hơn đó chính là vấn đề an ninh.

“Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ… và đang tìm kiếm một vai trò lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế. Nó đồng nghĩa với việc mối quan hệ đối thủ chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên rõ ràng hơn,” nhà phân tích chỉ ra. Ông cũng bổ sung, THAAD được triển khai gần như chắc chắn sẽ là một vấn đề gai góc trong mối quan hệ song phương Trung – Hàn”.

“Là một đồng minh của Mỹ và là một láng giềng gần với Trung Quốc, vấn đề THAAD có thể sẽ được nêu ra một lần nữa trong tương lai, và Hàn Quốc sẽ buộc phải lựa chọn nghiên về bên nào,” ông Lee dự đoán.

Ông Hwang Jae-ho, một chuyên gia về an ninh khu vực Đông Bắc Á tại Đại học Đối ngoại Hankuk, Seoul cũng đồng ý rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn sẽ là một chướng ngại vật mà cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều cần phải tìm cách vượt qua.

“Nếu khủng hoảng hạt nhân leo thang, phe đối lập [tại Hàn Quốc] sẽ đòi hỏi phải có một liên minh quân sự mạnh hơn với Mỹ, và điều này chắc chắn sẽ cản trở việc xây dựng lòng tin giữa Hàn Quốc và Trung Quốc,” ông Hwang nói.

(Theo Sputnik và SCMP)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ