• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ "bấp bênh" thỏa thuận lịch sử Mỹ, Taliban ngay từ trong trứng nước

Thế giới 14/08/2019 14:35

(Tổ Quốc) - Liệu thỏa thuận hòa bình mà Mỹ, Taliban đều ra dấu hiệu sắp thành hình, có thực sự dài lâu?

Sau nhiều tháng thương lượng, cả Mỹ và Taliban đều đã đưa ra tín hiệu về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình sơ bộ cho Afghanistan trong vài tuần tới, thậm chí là sớm hơn.

Tờ New York Times nhận định, ngay cả một hiệp định tạm thời cũng sẽ mang ý nghĩa cực kỳ to lớn, đánh dấu cái kết cho cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ. Kéo dài gần 18 năm, cuộc chiến đã lấy đi tính mạng hàng chục nghìn người dân thường Afghanistan kèm theo hơn 3.500 binh lính Mỹ và quân đồng minh, cũng như tiêu tốn hàng trăm tỉ đôla Mỹ.

Tuy nhiên, liệu việc rút quân có thực sự đem tới hòa bình và ổn định cho Afghanistan hay không, lại phụ thuộc phần lớn vào khả năng Taliban và giới chức Afghanistan đạt được những tiến triển gì trong quá trình đối thoại trực tiếp, hướng tới một hiệp định chính trị tách biệt. Một số nhà phân tích cảnh báo, nếu không cẩn thận, Mỹ và Taliban chỉ đơn giản là đang ký kết một thỏa thuận rút quân, chứ không phải là hòa bình.

Vòng đàm phán thứ 8 vừa kết thúc vào đầu tuần này. Không có nhiều chi tiết được tiết lộ, nhưng từ kết quả của các cuộc đàm phán tại Doha, Qatar, Washington và Kabul, có thể nhìn ra trước một số khía cạnh chính của thỏa thuận rất được mong chờ này.

taliban1

Hiện còn khoảng 14.000 lính Mỹ tại Afghanistan (ảnh: NYT)

Thời gian rút quân

Tại thời kỳ đỉnh điểm chiến tranh, có hơn 100.000 lính Mỹ và hàng chục nghìn binh lính đồng minh tại Afghanistan. Con số giờ đây giảm xuống còn khoảng 14.000 lính Mỹ và hàng nghìn lính NATO.

Taliban từ lâu đã yêu cầu quân đội nước ngoài phải rút quân hoàn toàn, chấm dứt "sự chiếm đóng" mà họ coi là ngọn nguồn dẫn tới cuộc chiến.

Trên bàn đàm phán, Taliban mong muốn thời gian rút quân tính theo tháng; tuy nhiên, các chuyên gia quân sự mà Mỹ đem tới chỉ ra, việc chấm dứt hiện diện quân sự đã kéo dài 18 năm – bao gồm đóng cửa căn cứ, vận chuyển khí tài về nước… là bất khả thi về mặt hậu cần trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Sau thời gian thương lượng, gần như chắc chắn thời gian rút quân sẽ là 2 năm hoặc ít hơn một chút và tiến hành theo giai đoạn.

Afghanistan không hỗ trợ cho tấn công khủng bố

Giới chức Mỹ kiên quyết đề nghị Taliban đảm bảo không hỗ trợ cho các nhóm khủng bố quốc tế và khu vực như Al Qaeda… Ngoài ra, họ cũng kêu gọi hợp tác từ Taliban trong sứ mệnh giữ cho lãnh thổ Afghanistan không bị sử dụng như một "sân khấu" cho bất kỳ cuộc tấn công khủng bố quốc tế nào. Zalmay Khalilzad, trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ tiết lộ, chi tiết cụ thể của cam kết nằm trong số "các bước và cơ chế" mà hai bên đang thảo luận tại các cuộc thương lượng gần nhất.

taliban2

Các thiết bị của hải quân Mỹ trước khi được vận chuyển về Mỹ năm 2012 (ảnh: NYT)

Đối thoại trực tiếp giữa Taliban và giới chức Afghanistan

Theo giới phân tích, việc thông báo thời gian rút quân sẽ rút mở khóa cho phần "khó nhằn" nhất trong tiến trình hòa bình: bắt đầu các cuộc đối thoại giữa Taliban và những lực lượng Afghanistan khác, bao gồm chính phủ - về tương lai chính trị của đất nước.

Quá trình chuẩn bị cho các cuộc đối thoại trên đang được bắt đầu tại Oslo, Na Uy. Chính phủ Afghanistan cho hay, họ đã hoàn tất danh sách 15 thành viên đoàn đàm phán, trong đó có cả quan chức chính phủ và đại diện các đảng phái cũng như nhóm xã hội.

Những cuộc đối thoại dự kiến sẽ rất khó khăn và kéo dài nhiều tháng, thậm chí là năm – bởi vì những người tham gia tìm kiếm một thỏa thuận giữa hai lập trường điều hành mâu thuẫn. Một bên là nền cộng hòa dân chủ, một bên là vương quốc dẫn đầu bởi một nhà lãnh đạo tôn giáo tối cao.


New York Times nhận định, quá trình thương lượng cũng sẽ kiểm nghiệm tính kỷ luật chính trị của mỗi bên – cả hai đều có những điều trái ngược với đối phương, cũng như những quy tắc có thể làm lung lay bất kỳ tiến trình hòa bình nào.

Tính chất "trường kỳ" của các cuộc đối thoại giữa Taliban và chính phủ Afghanistan đồng nghĩa với việc, thời gian rút quân nước ngoài khỏi Afghanistan sẽ kèm theo điều kiện phụ thuộc vào tiến trình thương thảo. Điều đó cũng giúp Mỹ không mất đi lợi thế cân bằng trước khi các bên đạt được một hiệp định chính trị.

Địa phương hóa thỏa thuận đình chiến, hy vọng ngừng bắn hoàn toàn

Một số nguồn tin nội bộ cho hay, cho tới giờ, Taliban vẫn không đồng ý với yêu cầu của Mỹ là đưa việc ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện vào hiệp định sơ bộ.

Lý do của Taliban đưa ra là nếu họ đồng ý ngừng bắn từ đầu và sau đó quá trình chia sẻ quyền lực trong tiến trình hòa bình gặp bế tắc, họ sẽ gặp khó khăn khi tái tập hợp các lực lượng chiến đấu và mất đi lợi thế gần như duy nhất của mình.

taliban3

Quang cảnh tại thủ đô Kabul sau một vụ đánh bom của Taliban hồi tháng trước (ảnh: getty)

Trong khi đó, giới chức Mỹ nhấn mạnh, họ vẫn muốn ngay lập tức giảm thiểu tình trạng bạo lực. Do vậy, theo New York Times, hai bên có thể thỏa thuận như sau: thực hiện ngừng bắn ở các khu vực mà Mỹ bắt đầu rút quân, và cùng với tiến trình rút quân, lệnh trừng bắn sẽ được triển khai rộng ra.

Một số quan chức của chia sẻ, một lệnh ngừng bắn lâu dài và chính thức gần như chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề đầu tiên trong chương trình nghị sự giữa chính phủ Afghanistan và Taliban.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ